Hướng đi của bão số 9
Khác hoàn toàn so với các dự báo trước đó, bão Durian (bão số 9) đã không đổ bộ thẳng vào Nam Trung bộ mà đã chạy dọc bờ biển Nam bộ, “tấn công” trực tiếp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Vì sao? TS HOÀNG ĐỨC CƯỜNG (ảnh), trưởng phòng khí hậu Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu (Viện Khí tượng thủy văn), nhận định:

- Bão Durian có thể xem là một cơn bão bất thường bởi sau khi đi qua Philippines vào biển Đông và gặp điều kiện thời tiết bất lợi cho sự phát triển của bão (không khí lạnh ở phía bắc, nhiệt độ mặt nước biển thấp: khoảng 23-24OC), lẽ ra Durian sẽ phải suy yếu nhưng thực tế nó lại mạnh lên trong một số thời điểm nhất định (đêm 2-12, ngày 3-12 và chiều, đêm 4-12). Điều đó chứng tỏ nội lực của cơn bão rất lớn nên đã không yếu đi khi gặp các điều kiện thời tiết bất lợi.

Ngoài ra, thông thường vào cuối mùa bão (tháng mười hai) thì bão thường hoạt động ở phía nam biển Đông và đổ bộ vào Nam Trung bộ, hiếm khi đổ bộ vào Nam bộ.

TS HOÀNG ĐỨC CƯỜNG


* Theo ông, vì sao bão Durian không diễn biến theo những qui luật thông thường?

- Sự hình thành, phát triển, suy thoái của một cơn bão có hơn chục điều kiện khác nhau tác động tới nó. Hiện nay chúng ta mới chỉ nhìn được hai điều kiện là nhiệt độ mặt nước biển và không khí lạnh. Các điều kiện khác chúng ta chưa thể nghiên cứu xem nó thuận lợi hay không thuận lợi nên khó lý giải được cụ thể vì sao bão Durian vào đến biển Đông lại tiếp tục mạnh lên, mà chỉ có thể khẳng định nội lực của cơn bão này rất lớn.

Về việc bão đi dọc bờ biển rồi đổ bộ vào Nam bộ, lý do là sau khi mạnh lên, bão suy yếu gặp lúc không khí lạnh phía bắc tăng cường rất mạnh, cộng với gió đông yếu nên bão đã không đi theo hướng tây tây nam mà bị đẩy lệch hẳn xuống phía nam. Nếu gió đông mạnh kết hợp với không khí lạnh phía bắc thì bão sẽ đổ bộ vào Nam Trung bộ.

Hiện tượng gió đông yếu cũng chứng tỏ sự bất thường của bão Durian bị tác động bởi El Nino vì khi xuất hiện hiện tượng El Nino thì gió đông sẽ yếu hơn bình thường. El Nino xuất hiện cũng đồng thời với việc làm đảo lộn qui luật của bão gây ra những cơn bão bất thường.



* Cũng như bão Cimaron trước đó, việc dự báo đường đi của bão Durian có vẻ khá lúng túng?

- Thực chất bão là như vậy. Việc dự báo những cơn bão vừa qua là bình thường. Nếu dự báo xa sau 72 giờ thì vị trí dự báo và vị trí thực tế sau khi bão đến thường cách nhau trung bình 350km. Còn dự báo 48 giờ sai số 250km và dự báo 24 giờ sai số trên dưới 100km.

Đối với bão Durian, sau này ngồi tính lại mới thấy không khí lạnh phía bắc mạnh đến nỗi làm cơn bão lệch xuống phía nam. Trước đó khi đưa các thông số vào các mô hình tính toán thì bản thân mô hình cũng không tính toán hết được những điều đó. Tuy nhiên, các bản tin dự báo không đúng điểm bão đổ bộ chỉ là bản tin dự báo 48 giờ, còn bản tin dự báo 24 giờ vẫn bám sát được đường đi của bão. Dù sao tôi cho rằng sau này các trung tâm phải tính toán lại, nghiên cứu kỹ hơn và sẽ đưa tham số vào nhiều hơn để mô hình tính toán tốt hơn.



* Phải chăng những cơn bão ngày nay đang hoạt động vượt ra ngoài những lý thuyết về dự báo bão?

- Không hẳn như vậy. Các nhà khoa học có kinh nghiệm tại những trung tâm dự báo lớn trên thế giới cũng chưa hiểu hết được về cấu trúc, diễn biến hoạt động của cơn bão. Lượng kiến thức đó chưa đủ đảm bảo chắc chắn dự báo chính xác những cơn bão trong tương lai.


Những cơn bão “trái tính trái nết”!

Chỉ tính riêng năm nay đã có ba cơn bão bất thường, cực đoan gồm bão số 6 (bão Xangsane), bão số 7 (Cimaron) và bão số 9 (Durian).

Bão Xangsane bất thường ở chỗ nó là cơn bão mạnh đổ bộ vào Đà Nẵng, khu vực mà 30-40 năm nay chưa có cơn bão mạnh đổ bộ vào. Sự bất thường thứ hai là hoàn lưu bão lệch về phía bắc gây mưa rất lớn, đến tận các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, trong khi phía nam không xuất hiện gió mạnh.

Bão Cimaron được coi là một con bò rừng (tên của bão dịch ra tiếng Việt) chạy loạng choạng làm đảo lộn hầu hết các dự báo. Lý do là các điều kiện tác động tới đường đi của bão tranh chấp với nhau, không điều kiện nào mạnh hơn nên bão bị kẹt khiến việc dự báo đường đi của bão gặp khó khăn.

Bão Linda (năm 1997) chịu tác động của hiện tượng El Nino đã đâm thẳng vào Nam bộ (Cà Mau), thay vì vào Nam Trung bộ. Trước đó, bão số 12 (tháng 12-1993) cũng không đổ bộ vào Nam Trung bộ mà suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi song song bờ biển rồi vòng xuống mũi Cà Mau đổ bộ vào Malaysia.

Bão số 6 (bão Angela) tháng 10-1992 hình thành ngay trên biển Đông, đổ bộ vào Bình Định, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vòng trở ra biển, chạy dọc theo bờ biển Nam bộ, vòng qua mũi Cà Mau ra vịnh Thái Lan rồi lại mạnh lên thành bão quay ngược trở lại Phú Quốc.

Điểm chung nhất ở những cơn bão bất thường là đều chịu tác động của một hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường.


KHIẾT HƯNG (TTO)