QĐND Online - Vậy là sau 5 năm thi công, một trong những tuyến đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với tổng chiều dài là 245km đã đưa vào sử dụng được hơn một tháng. Tuyến đường cao tốc này đi qua thành phố Hà Nội và 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Dự án triển khai góp phần tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và tạo động lực cho việc khai thác du lịch của các địa phương trên.
Những người có nhu cầu đi lại địa bàn 5 tỉnh, thành phố nói trên có thêm sự lựa chọn cho hành trình của mình đã phấn khởi như thế nào. Phấn khởi vì thời gian được rút ngắn, cảm giác thư thái khi con đường chạy qua những địa danh nhiều ấn tượng. Tôi cùng các thành viên trong gia đình cũng đã có vài lần hành trình trên tuyến đường này. Các cháu bé thì khen đường đẹp, bà mẹ tôi đã ngoài bảy mươi cứ tấm tắc đường về quê giờ nhanh quá! Thêm một điều nữa, ở các trạm thu phí chúng tôi qua, những nhân viên làm nhiệm vụ ở đây luôn nở nụ cười tươi tắn kèm theo các câu nói giao tiếp rất có văn hóa. Thú thực, lần đầu tôi qua trạm thu phí Phù Ninh (Phú Thọ) cũng thấy hơi bất ngờ bởi khi vừa hạ kính xe xuống đã nhận được lời chào của cô gái, kèm theo tiền trả lại là câu nói “Vé của anh đây! Cảm ơn anh”….
 |
Một đoạn của tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Nguồn internet
|
Tìm hiểu thêm, tôi được biết, Công ty TNHH MTV Vận hành và Bảo trì đường cao tốcViệt Nam (VEC O&M) đã ban hành và tuân thủ nghiêm chủ trương “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) trên toàn tuyến. Có người nhận định, việc làm trên có vẻ như đang tạo ra một cuộc cải tổ về văn hóa ứng xử trên những cung đường. Sự thay đổi trong giao tiếp giữa nhân viên vận hành, thu phí và bảo trì đường đối với những người tham gia giao thông sẽ giúp họ luôn cảm thấy được tôn trọng, được vui vẻ khi thực hiện hành trình của họ.
Những chuyển biến bước đầu trên thật đáng ghi nhận và mong rằng nó sẽ mang lại sự thành công, không chỉ cho riêng Công ty TNHH MTV Vận hành và Bảo trì đường cao tốcViệt Nam . Nói rộng ra, văn hóa ứng xử của một bộ phận xã hội và không ít cơ quan, đơn vị công còn “nhiều vấn đề” thì việc làm của VEC O&M rất đáng trân trọng. Người viết bài này cũng có lần đề cập đến một cơ quan giữa thành phố cấp Trung ương còn phải đề ra quy chế về giao tiếp, ứng xử. Quy chế đó chỉ rõ: Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt; phải công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá và đoàn kết trong nội bộ. Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Việc thực hiện theo cách ứng xử có văn hóa của cán bộ, nhân viên đang làm việc trên tuyến cao tốc Hà Nôi-Lào Cai không phải là cái gì đó thật mới nhưng thể hiện rõ mục đích, yêu cầu đối với thái độ và văn hóa ứng xử trong giao tiếp, cả trực tiếp và gián tiếp.
Chúng ta đều biết, mỗi tổ chức, cơ quan đều có những quy định riêng, đặt chung trong bối cảnh của toàn xã hội. Văn hóa công sở, văn hóa ứng xử trong xã hội ngày nay đang được đầu tư nhiều (cảnh quan, phương tiện, môi trường, điều kiện làm việc…) nhưng con người vẫn là yếu tố quyết định. Dư luận hoan nghênh thái độ phục vụ trên của VEC O&M, họ đã làm đẹp hơn cao tốc và mong rằng nó có sức lan tỏa…
ANH THU