QĐND Online - Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Căn cước công dân ngày 19-6, có 20 đại biểu đã phát biểu ý kiến. Vì đây là dự án luật mới, liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật và nhiều lĩnh vực, cơ quan, nên ý kiến của các đại biểu Quốc hội phong phú và rất khác nhau về một số nội dung của dự án luật…
Nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét cẩn thận tính thống nhất của hệ thống pháp luật, mối quan hệ của luật này với các luật liên quan, nhất là Luật Hộ tịch, Luật Cư trú. Nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan phải đánh giá được tác động toàn diện của dự án luật trên các phương diện kinh tế, xã hội, nhất là nguồn lực về tài chính, công nghệ để triển khai luật sau khi Quốc hội thông qua. Một số đại biểu lại đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đỗ Ngọc Niễn phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.
|
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đi sâu vào phân tích về số định danh cá nhân tại Điều 3. Chỉ ra thực tế, trong khi Quốc hội đang cho ý kiến, đã có địa phương triển khai cấp mẫu chứng minh nhân dân mới 12 số. Cơ quan soạn thảo cũng dự kiến mã hoá dữ liệu, gán chức năng định danh cho 12 số này với mục tiêu không trùng lắp, không chạm số trong 500 năm. Đại biểu cho rằng, cách tiếp cận này có thể chưa ổn. Vì, với 9 số của chứng minh hiện nay, hợp nhất lại ở các địa phương sẽ có gần 1 tỷ đầu số. Trong khi đó, theo Tờ trình của Chính phủ hiện chỉ mới cấp hơn 68 triệu. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này chí ít cũng dùng được hơn 400 năm. “Vì vậy, Quốc hội cần phải nghe một lời giải trình mang tính khoa học, thuyết phục hơn” đại biểu nhấn mạnh. Về mặt xã hội, sự thay đổi này sẽ tạo ra một sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn. Bỏ đi 68 triệu chứng minh cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt, lan toả trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc.
Nêu ra quy định trong Luật Hộ tịch, khi đăng kí khai sinh sẽ do công chức tư pháp ghi vào sổ hộ tịch và bản chính giấy khai sịnh, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh, sau đó ghi chính thức vào sổ hộ tịch và giấy khai sinh. Đại biểu Nhân ngạc nhiên và “không hiểu vì sao chúng ta lại xây dựng hai hệ thống cơ sở dữ liệu riêng biệt”. Đại biểu băn khoăn về phương thức kiểm soát cập nhật, bổ sung và điều chỉnh cho cả hai hệ thống này thế nào khi có hàng ngàn đầu mối nhập dữ liệu, người nhập dữ liệu. Đại biểu cho rằng, cách làm này vừa tốn nhiều công sức lại dễ xảy ra sai sót. Đại biểu Nhân góp ý, hai hệ thống này không thể tách rời, nên “tôi tha thiết đều nghị nhập Luật Căn cước công dân trở thành một chương của Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo tính thống nhất”.
Cùng phân tích về số định danh cá nhân, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) chỉ ra, đây là vấn đề mới và hết sức quan trọng, nhưng trong dự án luật không có một điều, một khoản nào quy định về vấn đề này, trừ phần giải thích từ ngữ. “Không có những quy định cụ thể thì không thể biết được về giá trị pháp lý, phương thức xác lập số định danh cá nhân như thế nào, nội hàm gồm những vấn đề gì, thủ tục, thẩm quyền cấp quản lý, sử dụng ra sao, biện pháp nào để bảo mật thông tin cá nhân, cơ sở khoa học nào để biết tính khả thi của nó. Do vậy, tôi đề nghị trong luật cần phải xây dựng một điều hoặc một mục riêng về số định danh cá nhân”, đại biểu góp ý. Đồng thời, đại biểu Niễn yêu cầu, phải hoàn thiện việc cấp số định danh cá nhân trước khi ban hành luật để thuận tiện cho việc cấp thẻ căn cước công dân".
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) lại thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình của mình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân. Đại biểu cho rằng, Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân gây tốn kém lớn. Chưa nói đến việc các văn bản giấy tờ tới đây trong lưu trữ lẫn lộn, trùng lắp, có hồ sơ thì chứng minh nhân dân, có hồ sơ thì căn cước nhân dân, rất phức tạp cho hồ sơ lý lịch trong quá trình quản lý. “Trong khi, bản chất của căn cước nhân dân và chứng minh nhân dân không có gì thay đổi thì tội gì phải thay đổi tên gọi”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) lại băn khoăn về việc hai loại chứng minh thư, một thẻ căn cước lưu hành cùng lúc. Vì nếu dự thảo luật được thông qua đồng nghĩa với việc phát sinh mối quan hệ giữa các loại giấy tờ như thẻ căn cước, giấy chứng minh nhân dân 9 số đang sử dụng hiện tại, chứng minh nhân dân 12 số đang áp dụng thí điểm tại một số khu vực. Như vậy, thời gian tới, trong thực tế sẽ tồn tại cả 3 loại giấy tờ trên. Đại biểu cho rằng, việc này sẽ gây lãng phí lớn về kinh phí, thời gian và nguồn nhân lực.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương nhận định, thẻ căn cước thay thế chứng minh thư về lâu dài có thể là đúng hướng, cần thiết, nhưng: “Cần có lộ trình phù hợp, vì hiện nhiều loại giấy tờ, thủ tục chưa bỏ được, chỉ trong ít năm mà chuyển hết từ chứng minh thư cũ sang chứng minh thư mới, rồi khi có thẻ căn cước lại thay thế cả hai loại giấy tờ này thì rất lãng phí”. Đại biểu Phương kiến nghị, trước khi thông qua dự án Luật Căn cước công dân cần đánh giá tác động từ nhiều mặt, cả quản lý nhà nước tới điều kiện sinh hoạt của công dân. Cần đánh giá xã hội học, công tác tuyên truyền, giới thiệu, thậm chí có thử nghiệm để người dân hiểu đây là một dạng quản lý giao dịch hiện đại.
XUÂN DŨNG