Tháo gỡ những bất cập, vướng mắc

Long An có 28 khu công nghiệp (KCN) và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500ha. Trong đó, 16 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy gần 90%. Dù ở vị trí thuận lợi là cửa ngõ nối TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long nhưng phía tây bắc, bắc của Long An tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có đề án phát triển rõ ràng, mang tính đột phá chiến lược để kết nối chặt chẽ hai đô thị. Lý giải điều này, ông Nguyễn Thiềm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP Hồ Chí Minh, cho biết: Điều kiện tự nhiên của khu vực các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức của tỉnh Long An tiếp giáp TP Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế cho phát triển bất động sản, như: Nền đất thấp, nhiều kênh rạch, địa chất công trình yếu, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và phèn. Ngoài ra, các huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh giáp ranh Long An, như: Bình Chánh, Hóc Môn... vẫn chưa có nhiều trục giao thông chính, xa các cơ sở hạ tầng trọng điểm của cả hai địa phương.

Ông Nguyễn Thiềm nêu dẫn chứng, trục đường Nguyễn Hữu Thọ đi từ quận 7 và Quốc lộ 50 đi từ quận 8, huyện Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh về huyện Cần Giuộc (Long An) có rất nhiều dự án bất động sản, KCN tập trung nhưng giao thông hầu như không phát triển. Điều này làm giảm mức độ thu hút của thị trường, khó mời gọi nhà đầu tư lớn vào khu vực. Tương tự, khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) tiếp giáp huyện Đức Hòa (Long An) chưa có sự kết nối nhiều trong giao thương, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất.

TP Tân An, Long An ngày càng phát triển trở thành đô thị vệ tinh kết nối với TP Hồ Chí Minh. Ảnh: DUY BẰNG.

Bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cũng nhìn nhận: Long An phát triển chậm hơn các tỉnh phía đông của TP Hồ Chí Minh, như: Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên, Long An đang có bước tiến vượt bậc như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng hàng thứ 3 cả nước năm 2018, thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng gần đây cũng đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, ngày 5-9-2019 vừa qua, TP Tân An được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II. Đây là nền tảng vững chắc để Long An trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vấn đề đặt ra là cần phải đầu tư lớn nhân lực để đáp ứng nhu cầu tại chỗ và kết nối, nâng cao chất lượng, số lượng các hạ tầng xã hội.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường Long An, như: Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao... Để giữ chân nhà đầu tư ở lại, theo các chuyên gia, việc quan trọng hàng đầu là phải gắn kết hiệu quả Long An với TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đi vào những mục tiêu gắn kết cụ thể như sân bay, cảng biển quốc tế, các trung tâm tài chính, ngân hàng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, lĩnh vực thương mại, dịch vụ... Bên cạnh đó, cần bổ sung giao thông kết nối với các đường chính đô thị giữa Long An và các quận, huyện giáp ranh của TP Hồ Chí Minh cũng như đẩy mạnh tuyến nội bộ kết nối khu vực. 

Đột phá giao thông, cơ sở hạ tầng

Hiện nay, bên cạnh hai hướng chính là khu Đông và khu Nam, TP Hồ Chí Minh đã tập trung phát triển ở hướng phía tây kết nối Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với nhiều địa phương Tây Nam Bộ. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Từ đó, các ngành và doanh nghiệp của hai địa phương đã chủ động ký kết hợp tác theo ngành, lĩnh vực, tích cực nghiên cứu, khảo sát và tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đầu tư, hoạt động tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, yêu cầu then chốt hợp tác giữa hai địa phương chính là liên kết vùng, quy hoạch tốt về không gian, tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết nối nhanh về giao thông và đô thị, cùng với đó là liên kết viễn thông, năng lượng, hệ thống logistics.

Tỉnh Long An đã và đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông với các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, như: Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 10, cao tốc Bến Lức-Long Thành... góp phần tạo nền tảng quan trọng cho trục kết nối hai địa phương. Tuy vậy, kết cấu hạ tầng giao thông của Long An vẫn chưa phát triển tương xứng kỳ vọng, nhiều tuyến đường có quy mô tải trọng khá thấp, chưa hình thành được các trục đường chính kết nối khu, cụm công nghiệp, cũng như giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh thực hiện còn chậm, chưa phát huy tối ưu lợi thế.

Ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An thông tin: Tỉnh đang tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, gồm: Đường 830 trục Đức Hòa-Bến Lức nối từ hướng tây sang đông và đường vành đai TP Tân An. Các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Trong đó, trục động lực TP Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai do thế mạnh của Long An là cầu nối liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, Long An hiện có các huyện phát triển mạnh, như: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa. Nếu đầu tư được trục động lực này sẽ phát triển được thêm một số huyện, như: Tân Trụ, Châu Thành. Long An sẽ đi theo hướng thu hút công nghệ và có thể sẽ có khu công nghệ cao trong các KCN.

Từ góc độ chuyên gia về tài chính và đầu tư, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng: Mặc dù Long An có những lợi thế nhất định nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong quy hoạch như nằm xa các đầu mối hạ tầng của vùng, chưa có nhiều dự án hạ tầng phát triển tầm cỡ của vùng nên việc kết nối còn khó khăn. Do đó, câu chuyện kết nối giữa Long An và TP Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng. Tỉnh Long An cần điều chỉnh phát triển công nghiệp hợp lý, ưu tiên phát triển các loại hình bất động sản khu vực tiếp giáp TP Hồ Chí Minh để có thể thu hút nhân lực và nhà đầu tư từ các địa phương khác tốt hơn.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG