Vượt sức ép để phát triển
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) trong năm 2015 vẫn duy trì được tăng trưởng ổn định, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nằm trong tốp dẫn đầu các DN nộp thuế thu nhập DN nhiều nhất hiện nay với 37.327 tỷ đồng…Trong năm 2015, các DNQĐ đã nộp cho ngân sách Nhà nước ước đạt 44.130 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại sản xuất kinh doanh (SXKD), nhiều DNQĐ vẫn giữ vững vị trí tốp đầu. Có thể kể đến một số trường hợp như: Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hiện đang là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam, một trong 34 cảng biển hàng đầu trên thế giới về khối lượng hàng hoá thông qua cảng. Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần) là bạn hàng “chiến lược” của các nhà phân phối nổi tiếng về sản phẩm may mặc ở các thị trường Anh, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và là 1/70 doanh nghiệp được trao Biểu tượng vàng Quốc huy Việt Nam, là thương hiệu Tin & Dùng Việt. Công ty TNHH MTV 76 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vẫn là bạn hàng chiến lược và là nhà cung cấp số 1 khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong 63 nhà cung cấp của Tập đoàn bán lẻ sản phẩm hàng đầu thế giới IKEA (Thụy Điển). Các DN xây dựng, đóng tàu, SXKD thuốc nổ công nghiệp, DN cổ phần cũng vẫn đạt hiệu quả SXKD cao.
Công ty 319.2-Tổng công ty 319 thi công lắp đặt các khối phủ Chinese Acropode bảo vệ đê chắn sóng.
Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 28 chia sẻ rằng, do không ngừng đổi mới trang thiết bị công nghệ, mở rộng liên doanh, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, mở rộng thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh, nên tổng công ty luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng và thị phần ở các thị trường khó tính. Sản phẩm may mặc của tổng công ty được các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Hugo Boss (Đức), Pierre Cardin (Pháp), Nex, TM Lewin, Mark & Spencer (Anh), Tiger of Swiden (Thụy Điển), Anfred Dunrner (Mỹ)... tin tưởng, giao các đơn hàng.
Đại tá Đặng Hùng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (Quân chủng Phòng không-Không quân) cũng khẳng định, do không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nên tổng công ty ngày càng phát triển, trở thành “cánh chim” đầu đàn của ngành xây dựng công trình hàng không, đáp ứng yêu cầu xây dựng các sân bay hiện đại, bảo đảm cho việc khai thác các loại máy bay có tải trọng lớn.
Việc nắm bắt được các xu thế phát triển, hội nhập để đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ tiên tiến đã giúp Công ty đóng tàu Hồng Hà, Tổng công ty Sông Thu cũng như nhiều DN trong Tổng cục CNQP… trở thành những thương hiệu mạnh, có khả năng hợp tác quốc tế, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.
Tăng cường tiềm lực để hội nhập thành công
DNQĐ thời gian qua đã khẳng định được thương hiệu, uy tín, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, góp phần giúp Chính phủ kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thế nhưng hiện nay, quy mô, tiềm lực của đa phần DNQĐ còn nhỏ. Để DNQĐ phát triển mạnh hơn trong năm 2016 và những năm tiếp theo, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới, thì việc không ngừng nâng cao tiềm lực, phát huy lợi thế cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 28 cho biết, khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tổng công ty cần phải cơ cấu lại công tác tổ chức sản xuất, quản lý mới giảm được tối đa chi phí. Cùng với tập trung phát triển thương hiệu, mạng lưới phân phối thời trang, tổng công ty cũng tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp… để đủ sức cạnh tranh hiệu quả với DN nước ngoài khi họ cũng đang đầu tư vào thị trường Việt Nam để đón bắt những lợi thế từ TPP mang lại.
Theo Thượng tá Đào Minh Đạo, Phó chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Cục Tài chính-Bộ Quốc phòng) thì việc tập trung tái cơ cấu, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, tăng quyền chủ động cho DNQĐ, có các chính sách hỗ trợ cho người lao động tại DNQĐ, đặc biệt là các đơn vị đứng chân trên địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn… sẽ giúp DNQĐ phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.
Hy vọng các giải pháp đồng bộ theo định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, chủ động trong nắm bắt thời cơ, mở rộng hợp tác sẽ giúp DNQĐ không bị “đuối” trong "sân chơi" lớn hiện nay.
Bài và ảnh: HOÀNG GIA MINH