Thẩm quyền lập, phê duyệt đồ án là UBND TP Hà Nội

Bản báo cáo tóm tắt về việc đề nghị Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho chủ trương chỉ đạo đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã cho thấy những chủ trương, định hướng lớn về việc hoàn thiện đồ án.

Theo đó, Điều 19, Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị (theo văn bản hợp nhất số 49/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Văn phòng Quốc hội) quy định, thẩm quyền tổ chức lập, phê duyệt đồ án quy hoạch là của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4770/QĐ-UBND ngày 23-10-2012 về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 11.000 ha (khoảng 40km hai bên sông Hồng); dân số tính toán 130.000 ÷ 168.000 người (hiện trạng khoảng 228.860 người).

Cầu Nhật Tân nối hai bờ sông Hồng. Ảnh: kinhtedothi.vn. 

Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô và tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen, liên quan đến nhiều cấp ngành; tổng hợp của nhiều tầng bậc, loại hình quy hoạch đều trong quá trình triển khai chưa được phê duyệt (Quy hoạch vùng; quy hoạch thành phố Hà Nội; quy hoạch phòng, chống lũ; quy hoạch đê điều; quy hoạch giao thông; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành,... theo Luật Quy hoạch năm 2017). Khu vực lập quy hoạch có tính kết nối là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử, cảnh quan, di dời hoặc cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, phát triển đô thị,... về hai bên sông Hồng.

Khu dân cư được tồn tại và cần di dời. Ảnh: hanoimoi.com.vn. 

Quan điểm giải quyết về quy hoạch

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011); Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016) và phù hợp với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan,... theo Luật Quy hoạch năm 2017, tuân thủ các Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn chuyên ngành.

Quy hoạch định hướng sử dụng đất. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, đồ án cần nghiên cứu áp dụng các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, kỹ thuật, công nghệ,... trong không gian thoát lũ; không đề cập điều chỉnh chỉ giới thoát lũ; nghiên cứu giải pháp phù hợp tối đa, không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ, không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ mà nghiên cứu hệ thống cốt nền khai thác dọc bờ sông; nghiên cứu khảo sát kỹ và thận trọng các khu dân cư hiện có tại Bồ Đề, Bắc Cầu,... đề xuất phương án phù hợp, khả thi nhất.

Đồ án cần xác định cụ thể về các quy trình và nội dung vướng mắc cần giải quyết, các cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn, coi đây là yếu tố cơ bản và quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng của đồ án. Trước mắt, cần có ý kiến thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở “đầu bài” cho hoàn thiện quy hoạch xây dựng và triển khai các bước tiếp theo quy trình, quy định.

Sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: vnexpress.net. 

Thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố

Về tổng mặt bằng sử dụng đất, xác định các nguyên tắc của khu vực: Về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư; về quy hoạch sử dụng đất, khai thác quỹ đất bãi (từ Đê đến mép sông Hồng), ứng xử các loại đất trong và ngoài không gian thoát lũ; về di dân, giãn dân, tái định cư,... trên toàn tuyến. Sơ bộ xác định diện tích và các chức năng tại 08 khu vực bãi sông.

Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan: Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã xác định các nguyên tắc của khu vực đặc thù sông Hồng:

Hạ tầng kỹ thuật, giao thông (ngầm, nổi, cầu vượt,...), chuẩn bị kỹ thuật, thông tin liên lạc, thoát nước thải, chất thải rắn và nghĩa trang; các bến, bãi đỗ xe,...(đặc biệt chú trọng kết nối với khu vực 04 quận nội đô – phố cổ - phố cũ),...

Không gian kiến trúc cảnh quan; kết nối trục không gian cảnh quan Hồ Tây – Cổ Loa, trục hướng tâm và cửa ngõ ra vào Trung tâm Thành phố, kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan dọc hai bên sông Hồng tại đoạn tuyến quy hoạch và đặt trong mối quan hệ toàn tuyến qua Thủ đô về phát triển và bảo tồn... với các ý tưởng chủ đạo.

Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ảnh: kinhtedothi.vn. 

Cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng ảnh hưởng không gian thoát lũ theo yêu cầu của Luật Đê điều, cơ bản phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng (tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố trung tâm gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội, trên đó hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch và các không gian lịch sử, bảo tồn, cảnh quan, du lịch như Hồ Tây, Cổ Loa, Bát Tràng,…

Sông Hồng là nguồn lực về cảnh quan, sinh thái và du lịch của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: hanoimoi.com.vn. 

Phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở nghiên cứu kế thừa Dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng; cầu, hầm nối kết đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.

Các tuyến đường, tuyến đê và khu dân cư sẽ ra sao?

Về giải pháp quy hoạch về đường và đê từng khu vực và trên toàn tuyến:

Đê chính: Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng (là đường liên khu vực MCN 4-6 làn xe); các đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực (4 làn xe).

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Ảnh: vnexpress.net. 

Đường ven sông: Quy hoạch xây dựng dự kiến dành hành lang cho 2 tuyến đường cấp đô thị (6 làn xe) chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới (Lưu ý: Giải pháp cụ thể về các tuyến đường này sẽ theo từng đoạn tuyến và theo đúng thỏa thuận của ngành Giao thông vận tải và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thành phố yêu cầu đồ án phải phân tích hiện trạng sử dụng đất, dân cư và khu vực cần giữ lại, phương án bảo vệ chống lũ, quản lý hiện trạng sử dụng đất, chống lấn chiếm, khả năng nguồn lực để có giải pháp quy hoạch thực tiễn, khả thi.

Phương án đề xuất cần xác định rõ (hoặc điều chỉnh, bổ sung) QH257 về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại bảo vệ hay cần di dời (nêu trên) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: hanoimoi.com.vn 

QH1259 về quy mô dân số (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) và nhiệm vụ quy hoạch phân khu sông Hồng (thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội) sẽ phải xem xét, cân đối lại cho phù hợp. Cụ thể: (1) Tại các khu vực dân cư hiện có được tồn tại bảo vệ là khoảng 235.000 người; (2) Tại các khu vực đất ở mới theo khả năng dung nạp quỹ đất của các bãi sông được xây dựng là khoảng 45.000÷85.000 người (Mật độ xây dựng 30%, chỉ tiêu đất ở từ 18-35m2/người, tầng cao trung bình từ 3-5 tầng – phù hợp với tính toán của Điều chỉnh cục bộ QHC khu vực Bắc sông Hồng Viện đang nghiên cứu và phù hợp với Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành). Theo phương án này, dân số quy hoạch là khoảng 280.000÷320.000 người (tăng khoảng 150.000÷152.000 người so với nhiệm vụ quy hoạch được duyệt), cần xem xét cân đối lại về quy mô dân số khu vực đô thị trung tâm.

MINH PHONG