QĐND - Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 7-1-2015 là hợp lý, để chủ động dẫn dắt thị trường, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.

Cần thiết phải điều chỉnh

Từ ngày 7-1-2015, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam (VNĐ) và đô-la Mỹ (USD) từ mức 21.246VNĐ/USD lên 21.458VNĐ/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.673VNĐ/USD, tỷ giá sàn là 21.243VNĐ/USD. Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau hơn 6 tháng duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 21.246VNĐ/USD, việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. NHNN có trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế..., điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm cạnh tranh xuất khẩu thì Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá phù hợp. Bên cạnh đó, tín hiệu thị trường, nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, nhiều thương vụ phải chốt thanh toán bằng ngoại tệ và các ngân hàng bắt đầu có tín hiệu điều chỉnh tỷ giá kịch trần. Thời điểm điều chỉnh lần này hoàn toàn phù hợp vì khi đồng USD lên mạnh như vậy, lạm phát thấp và khi điều chỉnh tỷ giá không tạo áp lực tăng lạm phát như thời điểm lạm phát tăng. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, quốc gia nào còn dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ít thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là quyết định khá bất ngờ nhưng thông minh và nhạy cảm của NHNN, đồng thời cho thấy NHNN đã hiểu rõ, sâu sắc tình hình thương mại, tài chính toàn cầu, hiểu vị thế, cách ứng xử của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Đây là biện pháp điều chỉnh mà nhiều nước muốn làm nhưng không còn dư địa, Việt Nam tuy dư địa còn ít nhưng vẫn rất quan trọng.

Bảo đảm tính thị trường và linh hoạt

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, tỷ giá giao dịch thực tế xoay quanh mức phổ biến mức 21.450-21.460VNĐ/USD. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường và bảo đảm thực hiện các giải pháp đồng bộ kết hợp công cụ chính sách để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trên mặt bằng giá mới. Với điều chỉnh này, thị trường phản ứng hết sức tích cực, các diễn biến giao dịch trên thị trường tiền tệ của Việt Nam diễn ra hết sức bình thường; tỷ giá cũng chỉ dao động xung quanh mức tỷ giá công bố của NHNN bình quân trên thị trường liên ngân hàng. Theo ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đây là điều chỉnh rất cần thiết, là yếu tố giúp tỷ giá cân bằng với các yếu tố kinh tế vĩ mô khác. Đồng thời giúp thị trường ngoại tệ Việt Nam hoạt động thông thoáng hơn, giúp các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có định hướng, thông tin rõ ràng trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt hơn.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, dự báo cán cân vãng lai 2015 của Việt Nam thâm hụt nhiều so với năm 2014. Theo đó, công cụ tỷ giá hối đoái rất quan trọng để giảm cán cân vãng lai, hỗ trợ xuất khẩu. NHNN tăng tỷ giá hối đoái sẽ có lợi cho thu ngân sách từ USD, thu từ dầu thô quy ra VNĐ tăng, xuất khẩu tăng, hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước có khoản thu lớn hơn, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Tuy nhiên, NHNN chú trọng ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng, nhưng cần bảo đảm tính thị trường và tính linh hoạt, bám sát thị trường để có quyết sách kịp thời.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG