Phóng viên (PV): Nói đến Công ty CP Than Sông Hồng (Tổng công ty Đông Bắc) là nói đến “bà đỡ” cho đầu ra sản phẩm của các công ty khai thác, chế biến than trong tổng công ty. Đồng chí có thể cho biết “bí quyết” về giữ vững thị trường trong khi việc tiêu thụ than hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn?

Đại tá Nguyễn Đức Nguyên: Một trong những yếu tố quan trọng giúp công ty luôn giữ vững được thương hiệu số 1 về kinh doanh than cuối nguồn của Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), kể cả thời điểm thị trường tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn như 3 năm trở lại đây là do công ty đã biết phát triển tốt mạng lưới bán hàng trên các địa bàn trong thời gian qua. Hiện công ty có 14 trạm chế biến kinh doanh than, 1 công trường, 4 phòng chức năng, với số lượng khách hàng thường xuyên khoảng hơn 300 đầu mối, trải khắp các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra). Do đó, công ty luôn duy trì được thị phần, thị trường cho dù điều kiện kinh doanh than thời gian qua là hết sức khó khăn. Đó chính là những yếu tố quan trọng giúp công ty luôn là “bà đỡ”, “điểm tựa”, cầu nối quan trọng của các đơn vị sản xuất, chế biến than trong Tổng công ty Đông Bắc.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Đức Nguyên 

PV: Từ “thuở ban đầu” còn hết sức khiêm tốn, lại là đơn vị thực hiện cổ phần đầu tiên của tổng công ty, biểu đồ phát triển của Công ty CP Than Sông Hồng sau 20 năm có khác gì so với các công ty ngành than?

Đại tá Nguyễn Đức Nguyên: Không riêng Công ty CP Than Sông Hồng mà hầu hết các công ty khác trong Tổng công ty Đông Bắc đều thuộc diện “sinh sau đẻ muộn”. Vì vậy việc tạo dựng thương hiệu, “vị thế” cho mình là hết sức khó khăn. Muốn cạnh tranh được bình đẳng với các đơn vị khác trong ngành than, nhất là trong lĩnh vực tiêu thụ than, công ty luôn phát huy sức mạnh của cả tập thể, tinh thần kỷ luật đồng tâm của người thợ mỏ, đoàn kết, nhất trí trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là truyền thống của Tổng công ty Đông Bắc, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng để hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu tổng công ty giao. Những năm đầu thành lập, sản lượng than tiêu thụ của công ty chỉ khoảng 200.000 tấn/năm, thu nhập bình quân đạt gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, đến nay, có những năm sản l­ượng tiêu thụ than của công ty đạt 2,2 triệu tấn/năm, tăng gần 50 lần so với lúc công ty mới thành lập, thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 10.000.000 đồng/người/tháng. Công ty được Báo Vietnamnet bình chọn là 1 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam liên tục từ năm 2007 đến năm 2010, giúp công ty tạo nên thương hiệu “than Sông Hồng”, phát triển vượt bậc như ngày hôm nay.

leftcenterrightdel
Hoạt động chế biến, kinh doanh than tại Trạm Hải Hưng của Công ty CP Than Sông Hồng. 

PV: Sau khi Tổng công ty Đông Bắc tách khỏi Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam về Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ tiêu thụ than đặt nặng lên vai công ty, đơn vị đã “hóa giải” áp lực đó như thế nào để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao?

Đại tá Nguyễn Đức Nguyên: Ngoài việc đề ra nhiều kịch bản về giá bán, phương án tiêu thụ than để các trạm chế biến, kinh doanh than ở xa chủ động ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty cũng luôn quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc khách hàng sau bán hàng, xây dựng cơ chế khoán quản trị chi phí giá thành phù hợp với thực tiễn; phát huy trí tuệ tập thể, “chất xám” của những nhà kinh doanh, thợ lành nghề để tìm kiếm thị tr­ường tiêu thụ và mở rộng, phát triển mạng lưới chân rết bán hàng cho công ty. Đó chính là cách thức để hóa giải những áp lực, giúp công ty không chỉ đứng vững mà còn mở rộng được thị phần qua từng năm dẫu thị trường tiêu thụ than hiện nay còn rất nhiều khó khăn.

PV: Trong kinh doanh, rất nhiều công ty chú trọng đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp; với Công ty CP Than Sông Hồng, điều đó được thể hiện như thế nào?

Đại tá Nguyễn Đức Nguyên: Văn hóa là một trong những thước đo giá trị. Dù phát triển đến đâu thì cốt lõi cuối cùng lại hướng tới giá trị văn hóa. Doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững nếu thường xuyên biết xây dựng, vun đắp các tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp. Chính vì điều đó mà ngay từ khi thành lập, đơn vị luôn chú trọng tới xây dựng văn hóa kinh doanh cho mọi cán bộ, công nhân viên, nhất là trong công tác chăm sóc khách hàng. Nó chính là sự tiếp nối phát triển giá trị Bộ đội Cụ Hồ trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng quân đội thời bình hôm nay.

PV: Để công ty hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2017 và những năm tiếp theo, chiến lược phát triển của công ty thời gian tới như thế nào?

Đại tá Nguyễn Đức Nguyên: Cùng với việc triển khai và thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, công ty sẽ tập trung phát huy mọi tiềm năng sẵn có để mở rộng thị trường theo chiến lược phát triển của tổng công ty. Một mặt khai thông các cơ chế kinh doanh, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc, các cá nhân phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo; mặt khác công ty sẽ xây dựng lại quy chế trả lương theo sản phẩm cho người lao động, xây dựng cơ chế khoán quản trị chi phí giá thành phù hợp với thực tiễn, sắp xếp lực lượng phù hợp để bảo đảm hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty cũng sẽ tập trung nghiên cứu kỹ nhu cầu của khách hàng, thị trường trong nước để nâng cao sản lượng tiêu thụ, giúp doanh thu, lợi nhuận của công ty luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bảo đảm phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.

MINH NGỌC (thực hiện)