Tốc độ tăng trưởng ấn tượng
Về Nam Định, ngay từ đại lộ Thiên Trường-cửa ô dẫn vào khu vực nội thành, dáng dấp một đô thị công nghiệp đã hiện lên với hàng loạt nhà máy, xí nghiệp hai bên san sát. Trong những lĩnh vực đóng góp cho kinh tế-xã hội của Nam Định, dệt may chiếm vị trí quan trọng. Trải qua những giai đoạn khó khăn của kinh tế trong nước, ngành dệt may Nam Định vẫn duy trì và đạt được những bước phát triển.
Theo Sở Công Thương Nam Định, trong giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may của tỉnh tăng bình quân 22,06%/năm (mục tiêu đề ra là 19,5%/năm), cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 (19,84%/năm), với giá trị đạt 10.223 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010 (đạt 3.772 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2010 đạt 204,1 triệu USD, năm 2015 đạt 850 triệu USD. Các sản phẩm chủ yếu của ngành dệt may Nam Định gồm: Sợi, vải các loại, khăn, quần, áo.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nam Định Đặng Ngọc Rung cho biết, trong 5 năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng của tỉnh được đầu tư đồng bộ với hàng loạt tuyến đường huyết mạch nối Nam Định với nhiều vùng kinh tế lớn trong khu vực như: Tuyến Quốc lộ 37B, cải tạo nâng cấp đường 488C. Chính nhờ khai thác triệt để thời cơ về hạ tầng giao thông đã giúp sản phẩm dệt may của Nam Định có mặt ở nhiều nơi và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trong khu vực. Mặt khác, Sở Công Thương Nam Định cũng đã xây dựng sẵn những chiến lược lâu dài bằng việc cho đi vào hoạt động Khu công nghiệp Bảo Minh (năm 2009), thu hút nhiều doanh nghiệp dệt may lớn vào đầu tư. Xa hơn, tỉnh đã quy hoạch để xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông trở thành trung tâm dệt may lớn của cả nước đặt tại huyện Nghĩa Hưng.
Công nhân Công ty Cổ phần May Nam An đang hoàn thiện sản phẩm veston cao cấp nữ.
Số lượng doanh nghiệp dệt may không ngừng tăng
Trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần May Nam An Kiều Thị Hường chia sẻ, doanh nghiệp đang hoàn thiện những bộ veston nữ cao cấp cuối cùng trong đơn hàng xuất đi các thị trường: Nhật Bản, Anh. Dây chuyền được đầu tư hiện đại cùng kinh nghiệm của ban giám đốc về gia công mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với yêu cầu của khách hàng đã giúp Nam An nhận được những hợp đồng giá trị lớn. Dù mới thành lập được gần 5 năm nhưng Nam An đã vươn lên trở thành doanh nghiệp gia công sản phẩm may mặc trong tốp đầu của tỉnh với doanh thu năm 2015 đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Ngọc Rung, hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định có 5.980 cơ sở sản xuất dệt may bao gồm các doanh nghiệp và các hộ sản xuất gia đình. Trải qua nhiều thăng trầm, thương hiệu dệt may Nam Định vẫn khẳng định được vị thế trên thương trường, không ngừng lớn mạnh về quy mô, chất lượng, tiềm lực nội sinh. Từ năm 2010 tới nay, số doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may của Nam Định đã tăng từ 174 lên 226. Với việc nâng cấp nhà xưởng, máy móc, trang bị hiện đại kết hợp với kế thừa, phát huy kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật gia công các sản phẩm may mặc đã giúp các doanh nghiệp liên tục nhận được nhiều đơn hàng giá trị cao từ trong và ngoài nước.
Mục tiêu mà ngành dệt may Nam Định hướng tới trong những năm tiếp theo là đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Muốn vậy, Nam Định cần tập trung tháo gỡ những khó khăn đang kìm hãm sự phát triển của ngành dệt may. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thiếu nguyên liệu đầu vào như: Xơ, sợi, hóa chất… là khó khăn mà đa phần các doanh nghiệp trong tỉnh gặp phải. Điều này ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu thực tế. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may còn hạn chế dẫn tới việc các doanh nghiệp phải nhập với giá cao làm lợi nhuận giảm đi; thiết bị chuyên dùng hiện đại còn ít, hệ số sử dụng của thiết bị còn thấp.
Trước khi rời Nam Định, chúng tôi đã tham quan Khu công nghiệp Bảo Minh, nơi tập trung các doanh nghiệp trong ngành dệt của tỉnh Nam Định với cơ sở hạ tầng, dây chuyền hiện đại. Nhìn những chồng vải cao ngút, xếp ngay ngắn, chúng tôi càng thêm tin tưởng rằng, ngành dệt Nam Định sẽ vượt qua những khó khăn, phát huy những giá trị từ quá khứ để hướng tới những con số ấn tượng hơn nữa trong tương lai.
Bài và ảnh: NGUYỄN HIỂN