Hội thảo đã đề cập, đưa ra nhiều giải pháp kiến nghị thiết thực để tháo gỡ những vấn đề nóng xung quanh phát triển thủy điện và năng lượng tái tạo. Báo Quân đội nhân dân lược ghi một số ý kiến phát biểu tại hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển nguồn năng lượng quốc gia
Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối. Vì vậy, Bộ Công Thương đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc sử dụng NLTT cho sản xuất điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại Quyết định số 428/QĐ-TTg. Theo đó, đã khẳng định ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn NLTT nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mục tiêu là đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Đối với thủy điện, mục tiêu là đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW. Hiện nay, hầu hết các dòng sông, suối đã được nghiên cứu quy hoạch với 824 dự án thủy điện có tổng công suất 24.778 MW, bằng 95,3% tiềm năng khả thi nêu trên.
Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng đầu năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện.
Công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận. Để giải quyết những tồn tại này, Bộ Công Thương đã ban hành quy định liên quan tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27-12-2012. Hiện nay đang triển khai nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 là 6.000 MW.
Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong việc phát triển NLTT cần phải được nhận biết cụ thể, tăng cường quan tâm thực hiện, kịp thời bổ sung các quy định cho phù hợp. Đó chính là mục đích, ý nghĩa của cuộc Hội thảo hôm nay. Qua đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét đề xuất để các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo phát triển NLTT an toàn, hiệu quả, bền vững, đáp ứng các mục tiêu nêu trên.
NGUYÊN MINH (lược ghi)
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Việt Nam trước áp lực trở thành nước nhập khẩu năng lượng
Theo dự báo, đến năm 2030, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Chính vì vậy, tôi cho rằng, nội dung hội thảo hôm nay là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi làm sao đảm bảo an ninh năng lượng nhưng cũng phải đảm bảo phát triển an toàn, bền vững, đồng thời tiến tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong giai đoạn từ 2011-2016. Ước tính, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và nhu cầu này dự báo sẽ tăng lên mức 100-110 triệu TOE vào năm 2020. Với nhu cầu năng lượng như trên, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng.
Trong thời gian vừa qua, Bộ KH-CN đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Trong Chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2020, Bộ KH-CN xác định, chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Bộ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.
Để phát triển năng lượng, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các đối tác phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng. Việt Nam cần thay đổi từ mô hình điện tập trung cho đến mô hình điện phân bố… trong lộ trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp KHCN khai thác hợp lý nguồn thủy điện; nghiên cứu chế độ thủy lực các công trình tháo lũ cột nước cao; tổng kết nghiên cứu mô hình thủy lực; đánh giá tiềm năng khả thi nguồn thủy điện nhỏ; môi trường và bồi lắng của hồ chứa bậc thang thủy điện... Đồng thời, cần có chính sách hợp lý để các nhà sản xuất trong nước quan tâm đến lĩnh vực thiết bị công nghệ thủy điện vừa và nhỏ, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước, hạn chế đến mức tối thiểu các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, không những cho lắp đặt hiện nay mà cho sửa chữa, đại tu sau này.
NGUYỄN CƯỜNG (lược ghi)
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Sửa phiên bản lỗi quy hoạch bằng cách làm mới, mô hình mới
Tiềm năng thủy điện của Việt Nam vẫn còn, chúng ta có những lợi thế thì cần nên khai thác, phát triển. Câu hỏi là tại sao Quốc hội đã quyết định xóa bỏ hàng trăm dự án thủy điện trong thời gian vừa qua? Đây có phải là lỗi của bản thân các dự án thủy điện hay không?
Lý do không phải là bản thân các dự án thủy điện mà do cách làm, do cơ chế, chính sách và chủ trương của chúng ta thời gian qua. Một thời chúng ta cho phát triển ồ ạt các dự án thủy điện, không có quy hoạch nên tác động lớn đến môi trường sinh thái và hiệu quả. Vấn đề khôi phục các dự án thủy điện hiện nay không phải quay lại với mô hình cũ mà phải có cách làm, có mô hình mới, bền vững hơn, an toàn hơn.
Nỗ lực của Bộ Công Thương khơi dậy các dự án thủy điện nhỏ và vừa cần làm cụ thể, sàng lọc các dự án một cách khoa học. Nếu chúng ta tận dụng nguồn lợi thủy điện, thì chúng ta sẽ ngăn chặn được điện than.
Song tôi vẫn rất e ngại nhiệt điện chạy than vì nó tác động hai mặt đến an ninh năng lượng và môi trường. Cái này không thể coi thường được, ở cấp độ phát triển hiện nay (theo Tổng sơ đồ điện VII) ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than có thể dẫn đến thảm họa chứ không phải không?
THÁI THỤY (lược ghi)
Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương: Tổng quan quy hoạch, phát triển thủy điện vừa và nhỏ - thực trạng và giải pháp
Theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo lập, cả nước có 824 dự án với tổng công suất đặt là 24.778 MW. Đến nay, 343 dự án (17.987 MW) đi vào vận hành; đang thi công xây dựng 165 dự án; nghiên cứu đầu tư xây dựng 260 dự án; còn lại 56 dự án chưa có chủ trương đầu tư.
Thông tư số 43/2012/TT-BCT ra đời đã cơ bản giải quyết một số vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch và hướng dẫn đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện.
Dù vậy, trong quá trình phê duyệt, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, vì nhiều lý do như: Thiếu sự quan tâm, giám sát; năng lực hạn chế của cơ quan quản lý địa phương; năng lực tài chính, quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế... đã khiến một số thủy điện vừa và nhỏ xảy ra sự cố, nhất là trong mùa mưa bão.
Thực hiện Nghị quyết số 62/2013/NQ-QH13 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, loại bỏ 468 dự án do không bảo đảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường. Nhờ sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương và các đơn vị, địa phương, đến nay, công tác quản lý thủy điện đi vào nền nếp.
Trong Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 điều chỉnh, đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam cần đạt 265-278 tỷ kWh và đạt 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Để đáp ứng yêu cầu trên trong bối cảnh đất nước hạn chế về nguồn lực tài chính, nguồn tài nguyên hóa thạch dần cạn kiệt, nguồn điện hạt nhân đã dừng… thì năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ là giải pháp quan trọng.
Bộ Công Thương đã đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện. Theo đó, tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, thiết kế, chất lượng xây dựng công trình, quản lý vận hành khai thác đối với thủy điện nhỏ trên quan điểm: Chỉ xem xét bổ sung quy hoạch đối với dự án thủy điện nhỏ bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ từ khâu khảo sát, lập quy hoạch, dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão...
Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình và vận hành an toàn công trình thủy điện. Có chế tài xử lý nghiêm minh với chủ đầu tư dự án thủy điện khi vi phạm; nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện theo đúng yêu cầu đã được nêu ra trong Nghị quyết 62 của Quốc hội. Kiên quyết loại bỏ dự án ảnh hưởng đến đất rừng. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và tuân thủ quy định của pháp luật, quản lý chất lượng công trình một cách chặt chẽ, nhất là các dự án do tư nhân làm chủ đầu tư; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm...
MINH MẠNH (ghi)
Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó trưởng Ban Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Cần có chính sách để phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tập trung đầu tư các nguồn điện với quy mô công suất lớn. Về năng lượng tái tạo (sau đây viết tắt là NLTT), ngoài các dự án thủy điện, EVN tập trung vào phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió.
Hiện nay, EVN và các đơn vị thành viên của EVN đang triển khai các bước Quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 3.100MW. Tập đoàn đã xác định địa điểm và lập quy hoạch:04 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 575MW.
Hiện tại EVN đang quản lý vận hành nhà máy điện gió với công suất 6MW trên đảo Phú Quý (tiếp nhận từ PVN). Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình đã đưa vào vận hành 01 dự án 24 MW và đang nghiên cứu phát triển 04 dự án với tổng công suất khoảng 570MW. Các Tổng Công ty đang nghiên cứu đầu tư một số dự án điện gió tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều thay đổi về các quy định của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, dẫn đến những khó khăn vướng mắc khi triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án điện. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án điện bị chi phối bởi nhiều Luật và nhiều Nghị định, thông tư. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện trường hợp khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư cho một Dự án điện khi áp dụng các Luật khác nhau...Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp....
Các quy hoạch NLTT/ Điện mặt trời nói riêng (trừ thủy điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Công suất phát của NLTT không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời..., với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế và các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện. Các địa phương cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch. Quy hoạch về phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện NLTT...Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển NLTT. Có các chính sách ưu đãi về đầu tư...
VĂN MINH (ghi)
Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La: Thực hiện tốt 5 nguyên tắc trong quản lý thủy điện
Mường La có sông Đà, 5 suối lớn và nhiều suối nhỏ; các dòng sông, suối có độ dốc cao, là điều kiện thích hợp để xây dựng các nhà máy thủy điện. Hiê%3ḅn nay, trên địa bàn huyện có 23 công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ với tổng công suất là 3.296 MW, trong đó có 03 công trình thủy điê%3ḅn lớn là: Thủy điện Sơn La, Thủy điê%3ḅn Huô%3ḅi Quảng, Thủy điê%3ḅn Nâ%3ḅm Chiến 1 và 20 công trình thủy điê%3ḅn vừa và nhỏ.
Các công trình thủy điện vừa và nhỏ hầu hết được xây dựng tại các dòng suối có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn; bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, với sự thay đổi thảm phủ rừng cộng với tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán ngày càng có xu thế khốc liệt nên thường xuyên có sạt lở, nguy cơ lũ ống, lũ quét cao, đe dọa an toàn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà máy thủy điện.
Để giúp thủy điện phát triển bền vững, cần thực hiện tốt 5 nguyên tắc: An toàn tuyệt đối (hồ, đập, tính mạng của nhân dân); di dân tái định cư đồng bộ; không tác động xấu đến môi trường; hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước); thực hiện đúng quy định của pháp luật (quy hoạch, xét duyệt dự án, thi công giám sát, vận hành). Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện bền vững trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa phát triển kinh tế với môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biê%3ḅt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Chỉ đạo làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư, trồng bù rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các dự án. Làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa các nhà máy với địa phương, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc và các tình huống bất ngờ có thể xảy ra để đảm bảo an toàn vận hành các công trình thủy điện.
BAN MAI (Lược ghi)
Ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương: Truyền thông cộng đồng khi thủy điện có “tình huống”
Năm 2009, trong mùa mưa lũ đầu tiên thủy điện A Vương được đưa vào vận hành đã xuất hiện ngay đợt lũ lịch sử. Việc vận hành điều tiết hồ chứa A Vương trong cơn lũ lịch sử này đã được thực hiện tốt, đảm bảo không gây đột biến lũ cho vùng hạ du và cắt giảm được 146 triệu m3 nước trong tổng số 295 triệu m3 về hồ (gần ½ dung tích lũ).
Do nhiều nguyên nhân mà trong đó nguyên nhân căn bản là ở việc cung cấp thông tin cho cộng đồng chưa được quan tâm nên liên tục trong gần 6 tháng, mọi nguồn thông tin và dư luận đều quy kết do công trình thủy điện A Vương xả lũ làm lũ chồng lũ, dân cư thiệt hại nặng đến trên 600 tỷ đồng. Các cộng đồng dân cư và các cấp chính quyền vùng hạ đã không được cung cấp thông tin nên đã có những đánh giá chưa đúng về mức độ và vai trò của các hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết trong các cơn lũ.
Nhận thức được vấn đề này, chúng tôi đã lập kế hoạch truyền thông cộng đồng với mục đích cung cấp thông tin công khai, minh bạch, khách quan cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du; tiếp nhận, giải đáp các thông tin phản hồi cũng như tiếp thu, giải trình và cải tiến, khắc phục các khiếm khuyết để mang lại cách nhìn khách quan, đánh giá công bằng hơn của cộng đồng cư dân vùng hạ du đồng thời chủ động hiệu chỉnh, cải tiến cách quản lý, vận hành công trình mang lại hiệu quả tổng hợp tốt hơn.
Liên tục từ năm 2010 tới nay, chúng tôi đã thực hiện các đợt truyền thông cộng đồng tại vùng hạ du với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn (chiếu phim về biến đổi khí hậu, tiểu phẩm kịch bài chòi “Bảo vệ chính mình”, bốc thăm trả lời câu hỏi về phòng tránh thiên tai có trúng thưởng, thi tìm hiểu về PCTT trong học sinh, tóm tắt quy trình liên hồ bằng phim 3D…), lôi kéo được sự quan tâm tham dự của người dân mọi tầng lớp (cán bộ từ trưởng thôn trở lên, học sinh, giáo viên tại các trường học, nhân dân trong vùng…)
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, 7 nhà máy thủy điện khác trên sông Vu Gia đã tham gia chung tay góp sức tổ chức các hội nghị truyền thông. Qua đó, lãnh đạo chính quyền các cấp và nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia nắm rõ sự biến đổi khí hậu theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt và khó lường, từ đó giúp đồng bào có biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ; hiểu rõ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn.
MẠNH CƯỜNG (ghi)