39.000 tỷ đồng nợ không có khả năng thu hồi

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, kết quả thu 6 tháng đầu năm do đơn vị này quản lý ước đạt 597.786 tỷ đồng, bằng 51,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô ước đạt 30.350 tỷ đồng, bằng 68% dự toán. Thu nội địa ước đạt 567.437 tỷ đồng, bằng 50,5% so với dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trừ tiền sử dụng đất, cổ tức, thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu ước đạt 48,9% dự toán pháp lệnh, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Có 50/63 địa phương tiến độ thu nội địa đạt hơn 50% dự toán, trong đó có 44/63 địa phương đạt khá (hơn 52%).

Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-7-2019 là 83.158 tỷ đồng; trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 27.470 tỷ đồng, chiếm 33% tổng số tiền thuế nợ; tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nhóm nợ có khả năng thu là 16.678 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng số tiền thuế nợ; tiền thuế nợ không còn khả năng thu là 39.010 tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng số tiền thuế nợ.

Qua cơ cấu nợ thuế nêu trên, số tiền thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi ở mức cao, chủ yếu do hai nguyên nhân chính: Đầu tiên là do một số người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh; bỏ đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan thuế; đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn nợ đọng thuế. Thứ hai, Luật Quản lý thuế quy định tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, đã giải thể, phá sản, không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, không còn khả năng nộp thuế nên số tiền phạt, tiền chậm nộp ngày càng tăng lên, song thực tế các khoản nợ này không còn khả năng thu hồi.

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại cơ quan thuế.

Phân loại nợ đúng bản chất 

Để xử lý tình trạng nợ đọng thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý. Cùng với đó, cơ quan thuế đã triển khai nhiều biện pháp để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, xây dựng phương án xử lý nợ thuế báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo. Đồng thời thành lập ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ, xin ý kiến chỉ đạo về biện pháp đôn đốc thu nợ cụ thể đối với từng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn để xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Tổng cục Thuế đã phân công, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng và từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ thuế, gắn việc giao chỉ tiêu xử lý nợ thuế theo từng người nộp thuế. Theo dõi sát tình hình kê khai của người nộp thuế để đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN; tổ chức rà soát, phân loại nợ phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy phép kinh doanh); công khai thông tin người nợ thuế dây dưa, chây ỳ lên các phương tiện thông tin đại chúng (báo hình, báo viết, trang web cơ quan thuế). Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu việc chậm nộp tiền thuế; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức trong việc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế của cơ quan quản lý thuế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Thuận, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nam Định cho biết, những năm qua, đơn vị đã tăng cường triển khai các giải pháp trong công tác quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời số thuế nợ đọng và NSNN. Đầu tiên là thực hiện tốt các nội dung trong quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã được Tổng cục Thuế ban hành, từ phân loại nợ, phân tích nợ đến thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế và công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định. Tiếp theo, Cục Thuế tỉnh Nam Định đã thực hiện ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh Nam Định trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế; qua đó đã tăng cường công tác quản lý thuế trên địa bàn, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi cố tình vi phạm pháp luật thuế, chây ỳ thuế, thu hồi số thuế nợ đọng vào NSNN. Cùng với việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ cũ, không để phát sinh nợ mới thì Cục Thuế tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhờ vậy, thủ tục hành chính thuế được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Tạo động lực tăng trưởng để có nguồn thu

Tại Hội nghị trực tuyến của ngành tài chính về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN 6 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, như: Công tác thu NSNN ở một số lĩnh vực, địa phương trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng trốn thuế, thất thu thuế, nợ đọng thuế mặc dù được tập trung xử lý thu hồi nhưng vẫn ở mức cao,… Về thu NSNN, Phó thủ tướng đề nghị cần rà soát lại tỷ lệ động viên theo nghị quyết của Bộ Chính trị, phải có đường hướng điều chỉnh chính sách thu, một mặt nuôi dưỡng nguồn thu, mặt khác phải tăng tỷ lệ điều tiết trên một số lĩnh vực. Trên tinh thần chung là nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng phải vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nếu sản xuất không phát triển thì không có gì để thu, phải tạo động lực tăng trưởng để có nguồn thu. Trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể để khuyến khích chuyển lên thành doanh nghiệp. Tăng cường quản lý thuế, nhất là thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn để quản lý nguồn thu.

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Hiện nay, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã xây dựng các công cụ kê khai thuế điện tử khá hoàn thiện, do đó dễ dàng nắm được số cá nhân và tổ chức nộp thuế. Thời gian tới, nên đưa các chỉ số liên quan đến cơ sở thuế vào phần báo cáo công khai NSNN thay vì chỉ chú trọng đến số thu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng hóa đơn điện tử và giao dịch không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Việc này sẽ giúp ngành thuế kiểm soát tốt hơn cơ sở thuế và số thu thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần cải thiện hiệu quả công tác quản lý thuế để giảm tình trạng thất thu thuế.   

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT