Hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017, nhiều cuộc hội thảo quan trọng xoay quanh vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH. Đây được coi là vấn đề “nóng” đối với nền nông nghiệp của các nước thành viên APEC. Phát biểu tại một cuộc họp thường niên về an ninh lương thực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh khẳng định: “BĐKH hiện đang thách thức nhiều quốc gia trên thế giới với diễn biến ngày càng nhanh và cực đoan trên mức dự kiến, gây ra xáo trộn lớn cho ngành nông nghiệp toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất, là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH”.

leftcenterrightdel
“Cánh đồng lớn” ở huyện Bình Đại (Bến Tre), mô hình hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. 
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại cho kinh tế nước ta hơn 37.600 tỷ đồng. Riêng ở ĐBSCL, đợt xâm nhập mặn cách đây hơn một năm làm thiệt hại hơn 10.830ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp (ước tính gần 4.700 tỷ đồng). Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) dự báo, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam tăng 2-3 độ C; 39% diện tích ĐBSCL và 16% diện tích Đồng bằng sông Hồng cùng các địa phương ven biển sẽ lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng nếu các biện pháp phòng bị, ứng phó với BĐKH không được thực hiện kịp thời. PGS, TS Tăng Đức Thắng (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cảnh báo, vùng ĐBSCL đang ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH. Xu thế thay đổi dòng chảy đến từ thượng lưu rất bất lợi cho ĐBSCL, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ tác động phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính quyền các địa phương trong phát triển nông nghiệp thông minh để hạn chế thấp nhất hệ lụy đối với nền kinh tế.

Những thiệt hại kể trên sẽ còn tăng lên, là mối đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức, tư duy, tăng cường sáng tạo từ thực tiễn, liên kết kinh tế vùng để tăng sức đề kháng, thích ứng với những thảm họa thiên tai.

Đa dạng mô hình và giải pháp thích hợp

Để giảm thiểu thiệt hại, mang lại hiệu quả cao trong ứng phó với BĐKH, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những mô hình thành công, như: Trồng lúa-nuôi tôm, trồng lúa-nuôi cá, trồng lúa chịu mặn… Đặc biệt, mô hình trồng lúa-nuôi tôm phát triển mạnh ở các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đây được coi là mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên con tôm diễn biến phức tạp và tác động của BĐKH ngày càng bất lợi. Thực hiện mô hình này, nguồn lợi kinh tế mà người dân thu về từ tôm và lúa trên cùng một diện tích sản xuất tăng lên, giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững.

leftcenterrightdel
Các mẫu lúa chịu mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được trưng bày giới thiệu tại Triển lãm An ninh lương thực APEC 2017. 
Ông Lê Hữu Ân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu lý giải: “Đầu tư mô hình trồng lúa-nuôi tôm ít rủi ro, giá thành sản xuất thấp hơn so với nuôi tôm thâm canh hoặc bán thâm canh. Để ứng phó với BĐKH thì mô hình này được ưu tiên phát triển, phù hợp với xâm mặn, hạn hán, nước biển dâng”. Đây cũng là mô hình đang được triển lãm tại Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017, thu hút sự quan tâm, chia sẻ của nhiều chuyên gia quốc tế. Theo ông Leocadio Sebastian, Giám đốc Chương trình BĐKH, Nông nghiệp và an ninh lương thực kiêm Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Việt Nam, sự sáng tạo trong các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh ở ĐBSCL là hướng đi đúng đắn để thích ứng với BĐKH hiện nay.

Bên cạnh đó là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng giảm thiểu tác hại của BĐKH, áp dụng mô hình “cánh đồng lớn”, kết hợp nuôi, trồng xen canh, khắc phục nguy cơ “trắng tay” do xâm nhập mặn hoặc hạn hán ở các tỉnh: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre… cũng mang lại hiệu quả thiết thực.

Để nông nghiệp thích ứng với BĐKH, theo quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi sang các cây trồng khác trong toàn vùng là hơn 200.000ha. Thực hiện mục tiêu đó, các trung tâm nghiên cứu đưa ra nhiều mô hình tương thích với đặc điểm khí hậu, thời tiết khu vực; trong đó, triển khai gieo trồng loại lúa chịu mặn đang là giải pháp khả thi giúp nhà nông ổn định canh tác trong điều kiện xâm nhập mặn. Các giống lúa chịu mặn này còn có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sản xuất hàng hóa và an ninh lương thực. Ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng: “Muốn phát triển nông nghiệp bền vững cần có chiến lược dài hạn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và bảo đảm thủy lợi; chủ động xây dựng, củng cố nhiều công trình thủy lợi, đê bao phục vụ sản xuất… Cùng với đó, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thực hiện cánh đồng lớn”. Biện pháp này cũng được nhiều nhà khoa học đồng thuận đề cập trong Tuần lễ An ninh lương thực APEC. “Chúng tôi khuyến khích ứng dụng công nghệ mới để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó công nghệ sinh học đóng vai trò là công cụ nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện BĐKH ngày càng khắc nghiệt”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) khẳng định.

Còn những khó khăn

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết vùng… là những giải pháp được áp dụng để phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiều địa phương cũng gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề vốn, lựa chọn giống mới, quy hoạch cơ sở hạ tầng, thủy lợi, sản xuất nhỏ lẻ… đang đặt ra yêu cầu cao cho chính quyền các cấp.

Theo PGS, TS Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền giống (Trường Đại học Cần Thơ) thì hiện nay, đa số các giống lúa ở vùng này chỉ chịu được độ mặn 3-4‰ nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Một số giống lúa có khả năng chịu được độ mặn cao hơn 4‰, nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thiếu các đánh giá thực tế. Ngoài ra, giống lúa có khả năng chịu mặn cao ở ĐBSCL hiện cho năng suất thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác nghiên cứu, tạo giống chịu mặn chưa hiệu quả là do thiếu nguồn vốn và hạn chế về cơ sở vật chất thực tế. Trong khi, quá trình nghiên cứu cần liên kết rộng rãi và thử nghiệm ở điều kiện thực tế. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định: "Cái khó hiện nay của địa phương là thiếu nguồn vốn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và củng cố cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Tỉnh Hậu Giang đang tập trung thực hiện chính sách dài hơi, tạo nền tảng hạ tầng mang tính bền vững cho phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH, song cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chung tay gỡ khó cho các địa phương".

HOÀNG THÀNH