Đứng thứ 7 thế giới về tăng trưởng hàng không

Năm 2016, ngành hàng không tiếp tục đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với vận chuyển hành khách nội địa. Thống kê của Cục HKVN cho thấy, hàng không của Việt Nam năm nay phục vụ ước đạt 52,2 triệu khách, tăng hơn 29% so với năm 2015. Các hãng HKVN đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là Hãng hàng không Vietjet và Jetstar Pacific. Hiện nay, các hãng hàng không trong nước đang khai thác 50 đường bay nội địa, nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 17 sân bay địa phương. Hành khách nội địa đi lại bằng đường hàng không đạt 28 triệu khách, tăng 30% so với năm 2015. Đối với thị trường quốc tế, năm 2016 có 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác chuyến bay đi và đến Việt Nam với 78 đường bay. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới và thứ 3 khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng hàng không. Dự kiến, mức tăng trưởng còn cao hơn trong thời gian tới khi người dân ngày càng có xu hướng lựa chọn đi lại bằng hàng không.

leftcenterrightdel
Máy bay của một số hãng hàng không Việt Nam tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.  Ảnh: HUY HÙNG  

Một điểm đáng chú ý là lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ tăng mạnh trong năm 2016. Thị trường nội địa ước có xấp xỉ 15 triệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ, chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các đường bay. Để phục vụ đà tăng trưởng của thị trường, các hãng hàng không đã "mạnh tay" đầu tư mở rộng đội bay. Cục HKVN đánh giá, số lượng máy bay của các hãng HKVN tăng mạnh trong năm 2016. Đến nay, đội máy bay của các hãng HKVN là 147 chiếc, tăng 14 chiếc so với năm 2015.

Hạ tầng hàng không cũng có nhiều bước cải thiện trong thời gian qua với nhiều công trình, hạng mục mới được đưa vào sử dụng. Theo Tổng công ty Cảng HKVN (ACV), trong năm 2016, tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, tổng công ty đã đưa thêm 4 vị trí sân đậu máy bay vào sử dụng, mở rộng cải tạo sân đỗ đường lăn khu vực 2B, đưa công trình mở rộng phần cánh thuộc dự án “Mở rộng nhà ga quốc tế Cảng HKQT Tân Sơn Nhất” vào khai thác... Tại Cảng HKQT Nội Bài, ACV cũng triển khai thực hiện dự án cải tạo Nhà ga hành khách T1, bổ sung thêm 11 vị trí đỗ máy bay, nâng tổng số vị trí đỗ lên 70 vị trí được cấp phép, có thể khai thác đồng thời được 50 vị trí; khai thác, đỗ qua đêm 56 vị trí. Việc bổ sung thêm những công trình, hạng mục mới đã góp phần nâng cao năng lực thông quan của hệ thống cảng hàng không, sân bay cũng như giúp cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng hàng không

Cùng với tốc độ phát triển liên tục tăng cao của ngành hàng không trong những năm gần đây, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng ngày càng lớn. Mặc dù đã có những bước cải thiện nhưng hạ tầng hàng không tại một số sân bay lớn, đặc biệt là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đã bắt đầu quá tải. Với hơn 228.000 chuyến bay đã thực hiện từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày, các hãng HKVN thực hiện khoảng 700 chuyến đến tất cả các sân bay trên cả nước.

Dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô thị trường cũng như số lượng máy bay của Việt Nam vẫn đang ở mức khiêm tốn. Theo Trung tâm Nghiên cứu hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CAPA), đến tháng 11-2016, tổng lượng máy bay đang khai thác của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, bằng khoảng 1/4 số lượng máy bay của In-đô-nê-xi-a, nước có đội máy bay hùng hậu nhất khu vực. Xu hướng tất yếu của các hãng hàng không nội địa như: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific là phải phát triển đội máy bay để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, những khó khăn về hạ tầng như: Thiếu chỗ đỗ máy bay qua đêm, tắc nghẽn cả trên không và mặt đất lại tạo ra thách thức không nhỏ khi các hãng hàng không nội muốn mở rộng đội bay. 

Cục HKVN đang dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội máy bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, quy mô đội máy bay của các hãng HKVN đến năm 2020 sẽ vào khoảng 230 chiếc, thấp hơn 14 chiếc so với kế hoạch phát triển của các hãng hàng không nội địa. Theo lý giải của Cục HKVN, do hạ tầng còn nhiều hạn chế, trong khi việc đầu tư mở rộng sân bay, đường lăn, sân đỗ cần có thời gian, do vậy cần có sự điều tiết của Nhà nước đối với kế hoạch phát triển đội máy bay. Để tạo thêm động lực đưa hàng không Việt vươn cao, vươn xa hơn, việc gỡ bỏ nút thắt về hạ tầng đang là yêu cầu cấp thiết. Muốn có thêm nguồn lực phát triển hạ tầng nói chung, trong đó có các cảng hàng không, sân bay, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước hay nguồn vốn vay. Chủ trương kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không đã được đưa ra nhưng triển khai trên thực tế còn nhiều hạn chế. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng, xu hướng xã hội hóa trong thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông là tất yếu, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu, bởi có hai tác dụng có thể nhìn thấy rõ: Thứ nhất là giảm chi phí Nhà nước phải "nuôi" bộ máy quản lý, vận hành; thứ hai là tăng lượng vốn đầu tư, giúp đẩy nhanh việc thực hiện các công trình, dự án. Tại hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định chủ trương huy động nguồn vốn xã hội vào đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, trong đó có cảng hàng không. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công còn cao, việc huy động xã hội hóa để thu hút thêm nguồn vốn, đồng thời cũng giúp giảm nợ công.

Với mong muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, Tổng công ty ACV đã đề nghị Cục HKVN có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiê%3ḅn để các hãng hàng không thay đổi mạng đường bay khai thác nhằm sử dụng các sân bay lân cận làm căn cứ đỗ máy bay qua đêm, bên cạnh Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm nhà ga nô%3ḅi địa tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất với công suất từ 10-15 triệu khách/năm. Đối với các công trình hàng không như nhà ga hành khách, hiện đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và sẵn sàng bỏ tiền thực hiện, sau đó thu lại bằng cách khai thác công trình này. Vấn đề quan trọng nhất để thu hút được nguồn vốn xã hội hóa theo TS Nguyễn Minh Phong là cơ chế phải thực sự đồng bộ, minh bạch, thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai để chọn nhà đầu tư. Cùng với đó, cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia khai thác hạ tầng giao thông cạnh tranh bằng chính giá cả và chất lượng dịch vụ. Việc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân hứa hẹn sẽ giúp bộ mặt hạ tầng giao thông có những thay đổi tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn.

MẠNH HƯNG