Tín dụng đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là chính sách sử dụng NSNN có quy mô lớn triển khai qua hệ thống NHTM. Do đó, ngay từ quá trình dự thảo, NHNN Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các NHTM thông qua nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện nghị định và thông tư hướng dẫn, với mục tiêu hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; hạn chế các sai phạm trong quá trình triển khai, thực hiện dự toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Kết quả, đến ngày 30-6-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng. 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Ảnh: NGÔ TRANG 

Nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố đối tượng được thụ hưởng gồm một trong các trường hợp sau: Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh, bao gồm hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.

Cùng với quy định cụ thể đối tượng, Vietcombank nêu rõ các nội dung liên quan, gồm: Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm; đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam; khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2023 hoặc khi đến hết hạn mức hỗ trợ lãi suất. Trong đó hạn mức hỗ trợ lãi suất trong phạm vi hạn mức được NHNN Việt Nam phân bổ cho Vietcombank.

Tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho hay, Agribank là một trong những ngân hàng đăng ký tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 nhiều nhất bởi do tính đặc thù của ngân hàng này chủ yếu phục vụ nhóm đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Phạm Đức Ấn, một vấn đề mà các ngân hàng e ngại khi thực hiện cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm đó chính là khâu kiểm toán và quyết toán. Bởi khi thực hiện, cơ quan Kiểm toán Nhà nước sẽ vào các NHTM để kiểm toán con số chính thức. Quá trình kiểm toán yêu cầu rất nhiều nội dung, trong đó có những nội dung mà các ngân hàng không thể làm được.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng chia sẻ, trong thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm có 3 vấn đề chính cần tháo gỡ: Đó là đối tượng phải cụ thể và chính xác bởi dư nợ, số khách hàng đáp ứng yêu cầu để được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 là không lớn. Thứ hai, đó là Nghị định 31 chưa quy định cụ thể về khái niệm đối tượng khách hàng nợ quá hạn. Cuối cùng là khâu giám sát, kiểm tra, đánh giá khách hàng sử dụng vốn theo gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Điều này cần được thực hiện chặt chẽ, bởi nếu không đúng mục đích, dòng tiền chảy không đúng địa chỉ thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất vốn, NSNN cũng chịu thiệt hại.

Thời gian tới, để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo NHNN Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần của nghị quyết. Các bộ, ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN Việt Nam và ngành ngân hàng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất. 

NGUYỄN ANH VIỆT