Như bao người nông dân Tây Nguyên, ngày mùa, các công nhân phải thức dậy từ rất sớm, lót dạ qua loa rồi vội vã ra lô thu hái cà phê. Trên những vạt đồi rộng lớn bao la, thoai thoải dốc, cà phê chín đỏ đầy cành. Tay thoăn thoắt đổ những mẻ cà phê chín mọng mới hái từ bạt nhựa vào bao tải, xếp thành đống gọn gàng ở cạnh đường đi, chị Dương Thị Tâm, công nhân Đội 2 hồ hởi cho biết: “Lát nữa sẽ có người ra tận nơi cân đong và đưa về sân phơi. Năm nay mưa thuận gió hòa nên quả to, mẩy và rất đều hạt. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, chúng tôi tiến hành thu hái thành nhiều đợt. Những quả chín trước thì hái bói, chín sau thì hái mót. Khi quả cà phê chín rộ, vợ chồng tôi huy động anh em, họ hàng cùng đi hái, sau đó đổi công cho nhau. Với 2ha cà phê, mỗi năm gia đình tôi thu được 40-45 tấn quả tươi, vượt khoán khoảng 20-30%. Trừ hết chi phí cũng đủ trang trải, sắm Tết và lo chuyện học hành cho con cái”.
 |
Ngày mùa ở Công ty TNHH MTV Cà phê 15. |
Mở bao tay cho chúng tôi xem những nốt chai sần, phồng rộp, nhỏ li ti chạy dọc hai cẳng tay, anh Lê Văn Bình, công nhân Đội 2 giải thích: “Kiến cắn đấy. Trong lô, kiến vàng, kiến đen nhiều vô kể, bị chúng cắn tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất ngứa ngáy, khó chịu. Dẫu đã trang bị khẩu trang, bao tay đầy đủ nhưng ngày nào tôi cũng bị đốt khắp người. Đi hái cà phê, ngán nhất là bị rắn, rết, ong bò vẽ và bọ cạp cắn, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Mùa khô, mỗi lần tưới nước, rết từ dưới đất bò lên nhung nhúc. Con nào con nấy to như ngón chân cái”.
Để có được những vụ mùa bội thu “vàng đen”, người công nhân quanh năm đối mặt với bao vất vả, lo toan. Vừa thu hoạch xong lại tất bật cắt lá, tỉa cành, làm hố, bón phân, sửa bồn, phun thuốc. Mỗi công đoạn có yêu cầu kỹ thuật, độ chính xác, tỉ mỉ và vất vả riêng. Anh Nguyễn Quang Bình, Chủ nhiệm Đội 5 nói vui với chúng tôi: “Các cụ vẫn dạy rằng “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, riêng chúng tôi nhiều khi còn phải ngủ đứng nữa. Quả vừa hái xong là bước vào cao điểm mùa khô, để cây bung hoa đúng thời vụ, công nhân phải canh lịch, kéo ống, tưới liên tục mấy ngày mấy đêm liền. Mỗi lần tưới là mỗi lần vất vả, tốn kém. Chuyện lơ mơ, gà gật, ngủ đứng bên gốc cà phê, ai là công nhân cũng trải nghiệm đôi lần. Thế nên gần Tết mà có được trận mưa rào là công nhân vui như bắt được vàng, ăn mừng to lắm. Mấy năm gần đây, nhờ nghề tay trái nuôi ong lấy mật trong lô cà phê, chị H’Biểu Ksor, chị H’Linh Ksor, chị H’Noa, công nhân của Đội 5 cũng có thêm một khoản thu nhập khá ổn định”.
Là một trong những “chuyên gia” cưa ghép cành, trẻ hóa vườn cây giỏi nhất của công ty, hằng năm, ngoài việc chăm sóc, thu hái 3,7ha cà phê (2,2ha nhận khoán và 1,5ha của gia đình), vợ chồng anh Đậu Văn Thiên-Nguyễn Thị Trung còn phải “chạy sô” hỗ trợ, giúp đỡ kỹ thuật, ngày công cho các đội bạn khi họ có nhu cầu. Những mầm ghép TR4 do anh chị tự nghiên cứu, suốt 14 năm qua đã khẳng định ưu thế vượt trội cả về năng suất, chất lượng và sức đề kháng, chống hạn, khả năng tái tạo rễ. Nhờ ít cành tăm, quả chín đồng loạt nên việc thu hái, chăm sóc cũng thuận tiện hơn.
Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy chế biến cà phê, Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 cho biết: “Sản phẩm cà phê bột CF15 tinh chất của công ty được chế biến từ những hạt cà phê Robusta, Arabica tốt nhất trên dây chuyền công nghệ hiện đại và tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại nên rất được thị trường ưa chuộng. Với phương châm "CF15-Vì cuộc sống cộng đồng", công ty đang tập trung đẩy mạnh sản xuất theo hướng phát triển bền vững để phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Năm 2019, sản lượng cà phê tươi ước tính của toàn công ty đạt hơn 10.300 tấn, tăng khoảng 10,3% so với năm 2018. Chúng tôi luôn trân trọng những cống hiến, hy sinh thầm lặng của anh, chị em công nhân trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến cà phê. Bằng hành động cụ thể của mình, mỗi người đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng uy tín, thương hiệu của công ty”.
Bài và ảnh: TRỌNG KHANG - VĨNH LỘC