QĐND - Hầu hết các ý kiến trong 23 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên họp chiều 13-6 đều đề nghị lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức. Dưới sự điều khiển nội dung của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Mở rộng phạm vi, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên - Huế) ghi nhận sự đổi mới của Quốc hội và cho biết, cách đây đúng 190 năm, năm 1824 thế giới lần đầu tiên xuất hiện vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Từ đó đến nay việc bỏ phiếu tín nhiệm đang ngày càng phát triển, đặc biệt trong những năm 50 và năm 80 của thế kỷ trước, đến nay đã trở thành vấn đề rất bình thường trên thế giới. Nhiều đại biểu ở đoàn Hà Nội đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm mỗi năm một lần.

Đại biểu Lò Hải Ươi (đoàn Lai Châu) cho rằng, quy định mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần là chưa phù hợp, khó nâng cao trách nhiệm của người được lấy phiếu, bỏ phiếu. Một số có thể có tâm lý hết nhiệm kỳ sẽ nghỉ hưu, việc đánh giá thế nào không quan trọng nên không tập trung khắc phục hạn chế, thiếu sót; không bảo đảm tính kịp thời trong việc đánh giá cán bộ, làm cơ sở bố trí sử dụng cán bộ như mục đích và nghị quyết đề ra. Đại biểu đề nghị quy định lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Lần đầu tiên vào kỳ cuối năm thứ hai và lần thứ hai vào kỳ cuối năm thứ tư.

Ông Trương Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Các đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) và hầu hết đại biểu khác đều chung quan điểm trên. Đại biểu Thuyền còn cho rằng việc 500 đại biểu đã biểu quyết thì đương nhiên Nghị quyết 35 đang có giá trị thi hành nên việc dừng thực hiện chưa phù hợp.

Đại biểu Trương Thị Thu Trang  (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân là  người đứng đầu các cơ quan tư pháp như Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và một số cơ quan chuyên môn khác. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) lại cho rằng không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân vì những chức danh này theo hệ thống bổ nhiệm riêng, thứ hai là phải bảo đảm cho các cơ quan tư pháp có sự độc lập nhất định.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) khen việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 rất tốt, được cử tri đánh giá cao, có người gọi đó là thương hiệu của Quốc hội nhưng khi lấy ý kiến cử tri tại Thanh Hóa, cử tri kiến nghị “cần lấy phiếu tín nhiệm nhất ở địa phương là mấy ông giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành liên quan các quyền lực trực tiếp, liên quan đến lợi ích, đến quyền làm chủ của nhân dân thì chúng ta lại chưa chú trọng”.

Lấy phiếu theo mức nào?

Đây là vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội chiều 13-6. Hầu hết ý kiến đều cho rằng nên sửa phương án 3 mức như thiết kế hiện nay. “Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, tóm lại đều tín nhiệm, không ông nào không tín nhiệm” - đại biểu Lê Nam nói - “Người dân ta đề nghị như thế thì bây  giờ chúng ta phải lắng nghe ý kiến của dân. Bây giờ nếu sửa lại là tín nhiệm và không tín nhiệm thì cũng rất nghiệt ngã”. Đại biểu Nam đề nghị sửa theo hướng “tín nhiệm cao, tín nhiệm và không tín nhiệm”.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phân tích: “Người dân ta chê nhiều, chê vì an toàn quá, nếu xem lại kết quả ở Quốc hội thì đồng chí có mức độ phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất cũng chỉ 207, còn hơn 40 đại biểu Quốc hội nữa thì mới gọi là quá bán một chút. Nếu ở cấp tỉnh chỉ có 2 đồng chí có phiếu tín nhiệm thấp là trên 50%, trên 907 đồng chí, tỷ lệ khoảng 2/1000. Ở cấp huyện có 12/6664, cũng là tỷ lệ 2/1000, cho nên người dân người ta thấy nếu để ba mức thì đúng là an toàn”.

Trước quan điểm thiết kế 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm dễ làm cho lấy phiếu tín nhiệm giống bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm và lấy phiếu tín nhiệm, về hình thức giống nhau, nên có 2 mức đó là tín nhiệm và không tín nhiệm. Nhưng bản chất của nó khác nhau, vì hậu quả của bỏ phiếu dẫn đến mất chức, còn lấy phiếu là thăm dò mức độ tín nhiệm và làm cơ sở để đánh giá và sử dụng cán bộ. “Tôi cho rằng không sợ trùng, vì vậy tôi thấy nên ghi trên phiếu 2 mức là mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Còn sau khi có kết quả bỏ phiếu thì khi đó mới có định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp. Ví dụ, 80% trở lên được coi là tín nhiệm cao, 50%-80% là tín nhiệm và dưới 50% là tín nhiệm thấp”.

“Tôi cứ nghĩ rằng không biết nếu như Quốc hội sắp tới mà thông qua như dự thảo vừa rồi thì đến lúc đi tiếp xúc cử tri không biết giải thích với cử tri như thế nào”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương  (đoàn Ninh Thuận) tỏ ra lo lắng và đề nghị “chỉ nên để 2 mức và tôi không thông suốt với việc giải thích để 3 mức để thể hiện tính thận trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Thận trọng là do mỗi chúng ta, ví dụ bỏ phiếu ở Quốc hội thì việc thận trọng chính là 498 đại biểu Quốc hội thể hiện tính thận trọng trong đó để đánh giá mỗi con người”.

Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) chung quan điểm với nhiều đề xuất: “Sau khi lấy phiếu ở 2 mức, nếu 80% đại biểu trở lên tín nhiệm anh, đó là tín nhiệm cao, 50-80% bỏ phiếu tín nhiệm đối với anh đó là tín nhiệm trung bình, còn dưới 50% đại biểu không tín nhiệm anh đó là tín nhiệm thấp, kết luận cuối cùng vẫn 3 mức, nhưng đánh giá một người thì nên 2 mức, có như vậy mới tránh được tình trạng hình thức”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

NGUYÊN MINH