Một cán bộ địa bàn của Viettel Hà Nội (Tập đoàn Viễn thông Quân đội-Viettel) biết chuyện, báo cáo lại. Lập tức, Ban giám đốc Viettel Hà Nội quyết định hỗ trợ nhà trường lập một trang web và cung cấp dịch vụ nhắn tin để bình chọn cho cuộc thi. Tất cả đều miễn phí. Nhờ vậy, cuộc thi đã được tổ chức rất thành công, trở thành dấu ấn không thể nào quên đối với thầy, trò nhà trường. Đó chỉ là một trong rất nhiều hành động hằng ngày tưởng chừng rất nhỏ, nhưng đã tạo ra thiện cảm của cộng đồng đối với thương hiệu Viettel trên địa bàn Thủ đô.
Lãnh đạo Viettel Hà Nội trao ti vi tặng người nghèo ở huyện Ba Vì (TP Hà Nội).
Gặp Giám đốc Viettel Hà Nội, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Sơn vào một chiều thứ bảy, chúng tôi thấy anh vẫn tất bật với công việc. Nguyễn Văn Sơn chính là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân và toàn quốc năm 2014. Sinh năm 1986, nhưng Nguyễn Văn Sơn đã là người đứng đầu một chi nhánh lớn nhất nước của Viettel. Doanh thu của Viettel Hà Nội năm 2015 là gần 8.500 tỷ đồng, doanh thu 4 tháng đầu năm 2016 là hơn 3.000 tỷ đồng. Đại úy Sơn cho biết, anh đang chỉ đạo anh em Viettel hai huyện Thanh Oai và Quốc Oai khảo sát để nghiên cứu cung cấp dịch vụ truyền hình miễn phí tặng các hộ nghèo trên địa bàn. “Tại thủ đô Hà Nội vẫn còn khoảng 66.000 hộ nghèo; một phần không nhỏ trong số đó chưa có ti vi để xem, hoặc là sẽ gặp khó khăn trong việc xem truyền hình khi không còn sóng truyền hình miễn phí công nghệ Analog. Vì thế, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội, chúng tôi đang tìm các giải pháp để cung cấp truyền hình cáp đến hộ nghèo”-Nguyễn Văn Sơn chia sẻ. Theo ước tính, kinh phí đầu tư cho hoạt động này có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng...
Viettel Hà Nội cũng như cả tập đoàn Viettel không phải là doanh nghiệp công ích. Với bất cứ doanh nghiệp nào thì mục tiêu hàng đầu vẫn là hiệu quả kinh doanh. Bởi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có “mạnh” thì mới có nguồn lực để nghĩ tới những chuyện khác. Tuy nhiên, trong các hoạt động của mình, Viettel Hà Nội đang thực hiện đúng triết lý của Viettel, đó là kinh doanh gắn với lợi ích và sự phát triển của cộng đồng. Hiểu đơn giản là các hoạt động kinh doanh không phải chăm chăm chỉ vì lợi nhuận, mà còn phải góp phần để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có những hoạt động Viettel Hà Nội đã thực hiện chắc hẳn khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy “kỳ quái” vì phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức, thời gian mà chưa nhìn thấy lợi nhuận đối với doanh nghiệp. Ví như chuyện Viettel Hà Nội đổi điện thoại di động cho người dân nghèo từ điện thoại công nghệ 2G thành điện thoại công nghệ 3G. Cùng với đó, những chiếc điện thoại 2G được đổi về không bị vứt đi, mà với những máy còn tốt, Viettel Hà Nội lại giao cho đội ngũ kỹ thuật viên, chỉnh sửa lại cho thật “ngon”, thật “nuột”, rồi đem tặng các hộ nghèo khác chưa có điện thoại... Lý giải về câu chuyện khác thường này, Giám đốc Nguyễn Văn Sơn nói: “Máy công nghệ 2G không thể vào được internet, như thế, người dân sẽ ít có cơ hội tiếp cận với thông tin, hạn chế khả năng vươn lên, thoát nghèo. Chúng tôi trao máy 3G là để tặng người nghèo phương thức thoát nghèo. Còn khi trao máy 2G tặng người nghèo chưa có máy, chúng tôi cũng nói rất rõ đây là máy đã qua sử dụng. Chúng tôi làm cuốn chiếu để giúp được nhiều người hơn, bởi người nghèo và cận nghèo trong xã hội còn rất nhiều, mà nguồn lực của công ty thì có hạn. Cái chính là ý thức và tấm lòng của chúng tôi luôn nghĩ cách giúp người nghèo”.
Luôn nghĩ tới cộng đồng nên mới có chuyện Viettel Hà Nội tặng internet cáp quang miễn phí cho khoảng 1.200 trường học trên địa bàn Hà Nội; trao hơn 5.000 điện thoại di động, ti vi và đầu thu truyền hình tặng các hộ gia đình khó khăn; cung cấp đường truyền internet và dịch vụ chính quyền điện tử miễn phí cho một số sở, ban, ngành thành phố để họ có thể thực hiện ngay một số dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân. Viettel Hà Nội còn đang phối hợp với ngành y tế để giúp người dân Hà Nội tới đây được sử dụng y bạ điện tử thông minh, theo dõi được sức khỏe của mình và giảm thời gian khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Nếu dịch vụ công tơ điện tử, hệ thống tính cước sử dụng điện của Viettel được áp dụng đại trà trong thời gian tới thì "số" điện và tiền điện dùng trong tháng của người dân sẽ được hiển thị trên điện thoại; có thể trả tiền điện thông qua các thao tác trên điện thoại; giúp người dân quản lý việc sử dụng điện của mình một cách minh bạch, khoa học, tiết kiệm... Đặc biệt, người dân có thể chỉ phải trả vài nghìn đồng để được hưởng những dịch vụ đầy tính "cách mạng" ấy.
“Các “công ty nghìn tỷ” thường nghĩ tới những gói dịch vụ trị giá bạc tỷ, ít quan tâm tới những chuyện lặt vặt. Nhưng với chúng tôi, dịch vụ cho cộng đồng dù chỉ thu được 1.000-2.000 đồng/người, hoặc không thu được đồng nào cũng sẽ không bỏ qua. Nhiều hoạt động tuy vất vả nhưng là niềm vui vì mang lại hạnh phúc cho mọi người”-Giám đốc Viettel Hà Nội Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Với thế mạnh về viễn thông, công nghệ thông tin, với tấm lòng hướng tới cộng đồng, Viettel Hà Nội đang làm tốt sứ mệnh làm thông minh hóa, nhân văn hóa cuộc sống, để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: QUỲNH DƯƠNG