QĐND - Trong khi cơ sở cũ của Bệnh Đa khoa Krông Nô (Đắc Nông) bị dột nát, hư hỏng nghiêm trọng không được sửa chữa, thì dự án xây dựng cơ sở mới của bệnh viện này lại bị dừng thi công do thiếu kinh phí, dẫn tới chậm tiến độ và xuống cấp.
Krông Nô là huyện nghèo và xa nhất của tỉnh Đắc Nông. Đến nay, toàn huyện có hơn 67.000 người, tỷ lệ hộ nghèo còn 15%, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Nhằm bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, năm 1989 Bệnh viện Đa khoa Krông Nô được đầu tư xây dựng tại trung tâm huyện. Sau đó, vào các năm 1998 và 2001, bệnh viện được đầu tư xây dựng thêm một số khoa, phòng. Hiện tại, bệnh viện có 7 khoa, phòng với tổng cộng 50 giường bệnh. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Krông Nô cho biết: “Do cơ sở vật chất của bệnh viện đã xuống cấp nên thực tế bệnh viện chỉ khai thác được 70% chỉ tiêu kế hoạch sử dụng giường...”.
Tìm hiểu về thực trạng xuống cấp tại Bệnh viện Đa khoa Krông Nô chúng tôi thấy, hầu hết những cơ sở được xây dựng từ năm 1989 hiện đã bị dột mái, thấm tường, vì vậy bệnh viện đã bố trí các phòng này cho bộ phận hành chính và phòng làm việc của Ban giám đốc. Các phòng, ban được xây dựng năm 1998, như Khoa Cấp cứu, Khoa Điều trị nội trú, hiện nay đã bị bong tróc trần, nứt, thấm tường, bung trần la-phông... Mặc dù vào các năm 2004 và 2007, bệnh viện đã đầu tư sửa chữa nhỏ như quét lại vôi ve, thay gạch lát nền, nhưng từ năm 2007 đến nay, các phòng làm việc của bộ phận hành chính, các khoa, phòng khám, cấp cứu và điều trị đều đã xuống cấp, nhưng không được cấp kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Lý do là tỉnh Đắc Nông đang đầu tư xây dựng cơ sở mới của bệnh viện. Chính vì cơ sở vật chất của bệnh viện quá xuống cấp nên nhiều bệnh nhân trên địa bàn huyện Krông Nô đã tìm đến các bệnh viện khác để điều trị, trong đó chủ yếu là chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, hoặc chuyển đi điều trị tại các cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh.
 |
Các khoa phòng của Bệnh viện Đa khoa Krông Nô (cơ sở cũ) bị xuống cấp nghiêm trọng.
|
Trong khi bệnh viện cũ bị xuống cấp không được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, tác động tiêu cực đến chất lượng khám và điều trị bệnh, thì cơ sở mới của Bệnh viện Đa khoa Krông Nô đang thi công dang dở lại bị dừng vốn, dẫn tới chậm tiến độ, các hạng mục bị bỏ hoang. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Krông Nô được đầu tư xây mới trên khuôn viên rộng gần 40.000m2 tại thôn Nam Thạnh, xã Nam Đà, cách trung tâm huyện 2km. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2008, do Sở Y tế Đắc Nông làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, trong đó hơn 80 tỷ đồng đầu tư cho phần xây dựng cơ bản và hơn 20 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Bệnh viện mới có quy mô 150 giường bệnh, gấp 3 lần so với cơ sở cũ. Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa Krông Nô sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, từ tháng 6-2011, khi công trình đang xây dựng được 75% khối lượng thì bị "cắt" vốn đầu tư, nên các đơn vị thầu thi công phải dừng lại. Cũng kể từ tháng 6-2011 đến nay, công trình bỏ hoang hóa cho cỏ mọc, các hạng mục xây dựng dang dở bị xuống cấp, gây thiệt hại cho đơn vị thi công. Các nhà thầu thi công phải bố trí nhân công trực bảo vệ và bảo dưỡng công trình, chờ có kinh phí để thi công tiếp.
Làm việc với chúng tôi ngày 28-11-2013, ông Doãn Gia Lộc, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Nô cho biết: “Trước thực trạng cơ sở cũ của Bệnh viện Đa khoa Krông Nô xuống cấp, cơ sở mới lại bị cắt vốn đầu tư, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Đắc Nông xem xét tìm nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện bệnh viện mới, tránh tình trạng để công trình hoang hóa, xuống cấp; đồng thời bảo đảm ngày một tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. Theo lời bác sĩ Trương Hy, dự kiến năm 2014, Sở Y tế Đắc Nông sẽ huy động nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đầu tư hoàn thiện Bệnh viện Đa khoa Krông Nô. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, từ nay đến thời điểm được bố trí kinh phí đầu tư và hoàn thiện việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Krông Nô phải kéo dài từ một đến vài năm. UBND huyện Krông Nô và Sở Y tế Đắc Nông nên xem xét, bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa những hạng mục xuống cấp trầm trọng tại cơ sở cũ, nhằm bảo đảm công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH