QĐND - Cổ phần hóa (CPH), cùng với đó là việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ buộc các công ty của Nhà nước phải minh bạch trong hoạt động và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Theo các chuyên gia kinh tế thì minh bạch, sòng phẳng và có người đứng đầu giỏi, đề ra chiến lược đúng sẽ là công thức thành công đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
7 năm, vốn nhà nước tăng hơn 46 lần
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Doanh nghiệp Nhà nước-thành công và những bài học đắt giá”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, quá trình CPH một số DNNN thời gian vừa qua đã mang lại lợi nhuận lớn cho “cổ đông Nhà nước”. Ví dụ, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) lúc CPH năm 2005 có số vốn Nhà nước là 1.590 tỷ đồng. Đến giữa tháng 6-2014, trị giá vốn Nhà nước trên sàn chứng khoán của Vinamilk đã là hơn 2 tỷ USD (tương đương khoảng 42.720 tỷ đồng) tăng gần 29 lần. Tương tự, tại Công ty CP Dược Hậu Giang, năm 2007 lúc CPH, vốn Nhà nước chỉ có 80 tỷ đồng. Đến nay, giá trị cổ phần của Nhà nước tại công ty này là hơn 170 triệu USD (tương đương khoảng 3.631 tỷ đồng) tăng hơn 46 lần.
Ông Đặng Đức Thành phân tích, tại cả Vinamilk hay Dược Hậu Giang, kết quả thành công đều theo một cách thức chung là: Thứ nhất, chọn được người đứng đầu tài giỏi. Thứ hai, đề ra chiến lược kinh doanh đúng đắn. Cũng vì nội lực của doanh nghiệp mạnh mẽ nên trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế đất nước khó khăn nhưng Vinamilk vẫn liên tục tăng trưởng tốt.
 |
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: PVN.
|
Hầu hết chuyên gia đều ghi nhận vai trò nòng cốt của DNNN trong những năm qua. Thế nhưng, quá trình thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DNNN, tạo không gian phát triển cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là cần thiết. Điều này cũng nhằm tận dụng được vốn và chất xám của xã hội vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng, mục đích CPH ngoài việc huy động vốn của xã hội còn để mang lại một môi trường quản trị minh bạch cho doanh nghiệp. Bởi khi đã CPH, nhất là khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán thì ban lãnh đạo doanh nghiệp không thể “tự tung, tự tác” mà các hoạt động đều phải thông qua Hội đồng quản trị. Sàn chứng khoán sẽ là thước đo sức khỏe của doanh nghiệp rõ nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Nhà nước nên mạnh dạn hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ, bởi theo luật, cổ đông chỉ cần nắm 35% cổ phần trong doanh nghiệp là đã có quyền phủ quyết rồi. Mà quyền phủ quyết là một công cụ rất mạnh để nắm doanh nghiệp.
CPH mang lại hiệu quả cao như vậy nhưng quá trình CPH DNNN đang chậm hơn so với yêu cầu. Lý giải nguyên nhân, PGS, TS Lê Xuân Đình (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chủ yếu là do vấn đề lợi ích. Bởi quá trình CPH tạo ra sự sòng phẳng thì có thể bộ máy quản lý cũ yếu kém sẽ mất đi quyền lực, vì vậy bộ máy này sẽ tìm cách cản trở việc CPH. Vì thế, để CPH xong 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014-2015 theo đúng mục tiêu đề ra thì cần phải có những biện pháp quyết liệt với người đứng đầu các doanh nghiệp.
Những lĩnh vực trọng yếu phải do DNNN đảm nhiệm
Tuy vậy, PGS, TS Nguyễn Cảnh Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam lưu ý rằng, đổi mới hoạt động của DNNN là một quá trình thường xuyên, liên tục chứ không nên làm ào ào. Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, có khi thời điểm khó khăn của doanh nghiệp này lại mang lại cơ hội cho doanh nghiệp khác, bởi vậy, tái cơ cấu cần phải mang tính đặc thù, theo nhu cầu, việc tất cả các DNNN đều tái cơ cấu vào một thời điểm, theo cùng một cách thức chưa chắc đã là cách hay.
Kiến nghị nên đặt DNNN trong mối quan hệ sòng phẳng với các doanh nghiệp khác, vì thế một số chuyên gia cho rằng, không nên có luật riêng về DNNN và ngay trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng không nên có chương riêng về DNNN, vì như vậy, vô hình trung sẽ tạo ra quan niệm về một "sân chơi riêng", bất bình đẳng. “Tất cả các doanh nghiệp đều chơi luật chơi chung nên chỉ cần Luật Doanh nghiệp là đủ”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Nhìn nhận quá trình CPH, thu hẹp hoạt động của DNNN là đúng đắn nhưng một số ý kiến cũng lưu ý rằng, trong tình hình địa chính trị phức tạp như hiện nay, thì vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong một số lĩnh vực trọng yếu, lĩnh vực liên quan tới quốc phòng, an ninh cần được khẳng định. Theo một nghiên cứu, 40% đóng góp GDP của châu Á là từ DNNN. Trung Quốc là một quốc gia khá thành công trong việc chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung sang cơ chế thị trường. Trong đó, DNNN được giao những nhiệm vụ liên quan tới quốc phòng, an ninh, những lợi ích dài hạn của quốc gia mà doanh nghiệp bên ngoài không thể làm được.
HỒ QUANG PHƯƠNG