Vai trò chỉ đạo của Bộ Công Thương rất quan trọng
Tìm hiểu thương vụ này, tôi nhận thấy, mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phần Sabeco là rất cao, sát với thực tế, thậm chí khiến nhiều người từng cho là phi lý, song đã thể hiện vai trò chỉ đạo và quản lý rất tốt của Bộ Công Thương không để làm thất thoát vốn Nhà nước. Mức giá đó đương nhiên vốn đã là một bộ lọc khốc liệt và chỉ những nhà đầu tư có năng lực thực sự mới dám nhập cuộc sân chơi. Khách quan mà nói, Bộ Công Thương đã có một thương vụ rất thành công khi 53,59% cổ phần Sabeco đem lại cho ngân sách gần 110.000 tỷ đồng-mức kỷ lục từ trước đến nay trong hoạt động thoái vốn Nhà nước và gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017. Thương vụ này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Chính phủ trong thực hiện kế hoạch cân đối ngân sách mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2017. Đặc biệt, sau khi chuyển nhượng 53,59% cổ phần Sabeco, cổ đông Nhà nước sẽ vẫn chi phối 36% cổ phần Sabeco-mức vừa đủ để duy trì quyền phủ quyết tại doanh nghiệp. Tôi nghĩ đó là những con số rất ấn tượng.
Bộ Công Thương đã phát huy tốt vai trò quản lý, thậm chí có thể coi là rất khôn ngoan khi mà không ít nhà đầu tư tài chính cho rằng rất khó chấp nhận mức giá trên bởi định giá quá cao. Đúng như báo chí phản ánh, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, nhận xét: “Chúng tôi nhìn thấy đây là một ví dụ điển hình cho tiến trình CPH thành công”. Tôi mong rằng trong quá trình CPH các DNNN, sau này cũng có nhiều doanh nghiệp thành công lớn như vậy.
NGUYỄN THANH ĐOÀN (nguyên Thư ký Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội)
Thực hiện bài bản thì sẽ thành công
Đây là một thương vụ đấu giá bài bản, đạt được thành công ngoài dự kiến, bởi không chỉ diễn ra nhanh gọn mà còn bán được nhiều hơn lượng đăng ký chào bán của Bộ Công Thương. Vai trò cơ quan chủ quản của Bộ Công Thương trong đề ra chủ trương, tổ chức đấu giá vô cùng quan trọng. Thông qua phi vụ Sabeco cũng chứng tỏ, những DNNN có thương hiệu, có thị trường và nếu được tổ chức thực hiện bài bản sẽ có cơ hội CPH thành công.
Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ba yếu tố quyết định thành công trong đấu giá Sabeco
Có ba nguyên nhân chính khiến Sabeco đấu giá thành công, bao gồm: Thứ nhất, Sabeco là một doanh nghiệp lớn, nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai, thời điểm thực hiện đấu giá Sabeco diễn ra tuy hơi muộn xong vẫn rất phù hợp, bởi đây là thời điểm nhà đầu tư Thái Lan đang dành sự quan tâm đặc biệt đến môi trường đầu tư Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng. Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương rất quyết liệt chỉ đạo trong việc CPH DNNN, nên đưa ra tỷ lệ chào bán lớn, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Đấu giá thành công Sabeco mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy CPH DNNN.
Chuyên gia kinh tế, TS CẤN VĂN LỰC (cố vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam)
Các doanh nghiệp nhà nước cần nghiên cứu
Sabeco đấu giá thành công bên cạnh lý do chủ quan là doanh nghiệp lớn, kinh doanh có lãi thì còn do tác động tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây khá ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự kiến đạt 6,7%, tầng lớp trung lưu tăng mạnh nên nhu cầu tiêu dùng đang rất lớn. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Sabeco không chỉ đơn giản là mua được thị phần thương hiệu của sản phẩm mà còn dựa trên nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Việc đấu giá thành công cổ phần của Sabeco không những thu giúp về 110.000 tỷ đồng mà nguồn vốn rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang hạn hẹp. Nó còn mở ra cơ hội rất lớn cho CPH DNNN của Việt Nam trong giai đoạn tới mà nhiều đơn vị cần nghiên cứu, học tập.
Chuyên gia kinh tế, TS LƯU BÍCH HỒ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)