QĐND - Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng: Cứ phải vào các lò luyện thi, mới đỗ Đại học (ĐH)! Vì thế, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều gia đình đã cho con em vào các lò, các trung tâm luyện thi. Nhiều em ở khắp các nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, nhất là ở các thị trấn, thị xã, thành phố đã hối hả “tầm sư học đạo”, đông nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều gia đình đời sống khó khăn, cũng “thắt lưng buộc bụng”, bán thóc gạo, lợn gà, trâu bò, thậm chí phải bán đất, bán ruộng, bán lúa non, lo tiền cho con em đi luyện thi. Cái tâm lý có con đỗ ĐH mới “mở mày mở mặt”(?), mới hãnh diện với xóm phố, kể ra rất đáng cảm thông. Song, cứ nhắm mắt đưa chân vào các lò luyện, nhiều khi tiền mất, sức khỏe hao tổn, có khi còn gặp những tai nạn, rủi ro không lường hết được.
Trong cơ chế thị trường và nắm bắt tâm lý của phụ huynh và HS, các trung tâm, các lò luyện thi mở ra nhan nhản, như nấm mọc sau mưa, trước và sau các kỳ thi tốt nghiệp THPT. To, thì mươi, mười lăm lớp; mỗi lớp 6 - 7 chục học sinh (HS), có khi hàng trăm em một lớp, ngồi chen chúc, ngột ngạt; thầy cô phải giảng (đọc) những “nhời vàng tiếng ngọc” qua mi-crô. Nhỏ, thì vài ba lớp, mỗi lớp 3 - 4 chục em. Những gia đình khá giả thì tổ chức lớp riêng, có khi chỉ dăm, bảy em, mời thầy, cô về dạy, với thù lao hậu hĩnh. Nhiều gia đình còn mời thầy “cực xịn” (?) luyện thi “tại gia” cho con mình!
 |
Các lò luyện thi mọc lên như nấm sau mưa. Ảnh: CTV |
Các lò, các trung tâm luyện thi quảng cáo rùm beng về cơ sở vật chất và năng lực đội ngũ giáo viên của mình. Nào là thạc sĩ X, tiến sĩ Y, có cả PGS, GS “lừng danh”, có người là “chuyên gia ra đề thi ĐH”. Nào là, trung tâm luyện thi này hằng năm có tỷ lệ đỗ cao vào các trường ĐH. Học phí thì có nhiều loại: Thấp thì 3 - 4 triệu đồng/HS/tháng; trung bình thì 6 – 7 triệu đồng; cao thì 10 triệu đồng. Có trung tâm luyện thi còn công bố học phí “hoành tráng” đến mức 20 triệu đồng/HS/tháng, bao gồm cả suất ăn sáng và suất ăn trưa đàng hoàng. Để bước đầu bảo đảm cho chất lượng, một số lò luyện còn cho thi thử đầu vào, HS nào quá kém thì họ loại ra ngay tắp lự. Với các “chiêu” chào mời như thế, khiến các cô tú, cậu tú tương lai bị thôi miên.
Thế nhưng, nhiều lò, trung tâm luyện thi đã dùng kế “cáo mượn oai hùm” để lòe bịp. Thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS chẳng biết tài năng ra sao, chỉ thấy nhai lại kiến thức SGK lớp 12, sách “học tốt” môn nọ môn kia và sách hướng dẫn ôn thi ĐH. Ít khi thầy cô giảng giải cặn kẽ, đặc biệt là chẳng hề dạy HS tư duy lô-gích, tức là các thao tác tư duy cần thiết để giải mọi đề thi; chỉ thấy thầy đọc, trò chép tùm lum. Nhiều cơ sở luyện thi dùng cả giáo viên THPT yếu kém để “dạy”- bằng cách đọc theo sách hoặc các bài viết sẵn của người khác. Một số HS đã phản đối cách “dạy” này; nhưng phần đông HS chỉ như những “con nai vàng ngơ ngác”, và vì thế mà người ta cứ việc “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Ôn thi ĐH là dịp để nhiều người hốt bạc.
Về phía HS, cũng có nhiều điều đáng nói. Hầu hết các em thuộc loại học lực yếu, hoặc làng nhàng; do lười học nên đầu óc trống rỗng. Vào các lò luyện, được ôn tập một cách tùy tiện, bập bõm, kiến thức chắp vá, cho nên tiền mất, mà có khi thi vài ba lần đều trượt. Qua thống kê nhiều kỳ thi tuyển sinh ĐH, có nhiều thí sinh tổng điểm 3 môn rất thấp, thậm chí chỉ là điểm “o” (điểm “không”)-khiến ta kinh hoàng. Đủ biết, chất lượng HS và chất lượng luyện thi yếu kém đến mức nào!
Đâu phải cứ vào lò luyện thi, mới đỗ ĐH. Ôn thi, luyện thi là điều cần thiết, tự nguyện. Nhưng có hai điều cốt yếu mà hầu hết HS lại không quan tâm. Một là: Phải chăm chỉ thường xuyên để học cho tốt, học cho giỏi ngay từ các lớp phổ thông và từ đầu năm học. Cả năm chểnh mảng học hành, chỉ “giỏi” xin điểm, mua điểm, yêu đương nhăng nhít, đến sát nút kỳ thi ĐH mới nháo nhào đi ôn luyện theo kiểu “thuyền đua thì lái cũng đua”, thì kiến thức cũ đã quá mỏng, kiến thức mới thì bị nhồi nhét theo kiểu ăn xổi, sẽ không thể vững chắc được. Hai là: Ôn luyện gì, thì đề thi ĐH cũng chỉ nằm trong chương trình, SGK, mà kiến thức phổ thông thì có cao xa, nhiều nhõi gì đâu. Vả lại, vào lò luyện thi, chưa chắc đã gặp được thầy, cô giỏi thật sự, khó tìm được nơi ôn luyện tử tế.
Nhiều năm qua, không ít HS học khá, học giỏi thật sự, chẳng vào lò luyện thi nào, mà cũng đỗ hai trường ĐH có tên tuổi, với điểm số cao; một số em còn đỗ thủ khoa, trong đó có cả HS ở nông thôn, miền núi. Cho nên, chỉ cần thường xuyên chăm chỉ học hành, nắm vững kiến thức, rèn luyện phương pháp làm bài ngay từ trong lớp, trong trường của mình, mà không cần vào các lò ôn luyện, vẫn thi đỗ ĐH. Mặt khác, các trường ĐH bây giờ mở ra rất nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh rất đông. Vì thế, thi đỗ ĐH bây giờ-hoàn toàn không phải là việc khó.
Minh Thành