QĐND Online - Chỉ trong 3 tháng gần đây, tại Madagascar (một quốc gia châu Phi) đã ghi nhận tổng cộng 138 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có hơn 40 trường hợp tử vong. Trước đó, Cơ quan đầu mối IHR của Mỹ cũng thông báo ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado; còn Ủy ban KHHGĐ Trung Quốc cũng đã thông báo ghi nhận một trường hợp  tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, tại Madagascar, có nhiều nguy cơ làm dịch bệnh dịch hạch lây lan rộng như mật độ dân số cao, hệ thống y tế yếu kém. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn do véc-tơ truyền bệnh dịch hạch là loài bọ chét đã kháng với deltamethrin ở mức độ cao.

Việt Nam khẩn trương giám sát dịch hạch tại các cửa khẩu


Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh lây truyền này, Bộ Y tế đã khẩn cấp yêu cầu các tỉnh, thành giám sát dịch trên động vật hoang dã, đặc biệt tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ cao...

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch tại cửa khẩu, khu vực biên giới.


Chuột - ổ chứa bệnh truyền nhiễm

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra. Nguồn gốc bệnh từ thú vật hoang (thường là loài gặm nhấm như cáo, chồn…), sau đó lan truyền sang thú vật khác, đặc biệt là chuột, loài gặm nhấm sống gần người khác. Loài truyền vi khuẩn gây dịch hạch là con bọ chét. Khi bị chúng đốt, chuột sẽ chết hàng loạt. Bọ chét sẽ rời xác chuột, đi tìm một con chuột khác để sống ký sinh và có thể cắn người, gây lây nhiễm bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch thể hạch với hai triệu chứng nổi bật là sốt cao và sưng hạch (hạch bẹn, nách, cổ) rất cấp tính.

Đường lây bệnh dịch hạch. Ảnh: Ppdictionary.com.

Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Bệnh dịch hạch ở người gồm có các thể: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch. Bệnh dịch hạch biểu hiện triệu chứng đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sau đó toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.

Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-41 độ C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày.

Vệ sinh môi trường, diệt chuột để phòng dịch hạch

Bộ Y tế nhận định, tuy tại Việt nam, trên 10 năm trở lại đây không ghi nhận ca bệnh dịch hạch trên người, nhưng không vì thế mà thể chủ quan. Bệnh dịch hạch có thể lây lan nếu người dân không có ý thức phòng tránh.

Đặc biệt, dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vắc-xin phòng bệnh. Người dân cần chủ động phòng tránh, đặc biệt đề phòng nguồn trung gian gây bệnh từ chuột.

Người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn..., tránh để chuột, bọ chét tiếp xúc, thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả.

Trường hợp người dân phát hiện thấy có dấu hiệu nhiều chuột chết khả nghi dịch hạch, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất.

Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Dịch hạch đã xuất hiện từ thời cổ xưa, tồn tại đến hiện nay. Trong vòng 2.000 năm qua dịch hạch gây 4 trận đại dịch với số tử vong khủng khiếp trong lịch sử nhân loại.
Nhất là hai đại dịch vào thế kỷ VI làm chết gần 40 triệu người và thế kỷ XIV nổi tiếng với tên “trận dịch đen” thời Trung cổ, được ước tính gây tử vong cho khoảng 25 triệu người châu Âu, 40 triệu người châu Á, châu Phi.

NGUYỄN THẢO