QĐND - Ngày 20-8-2014, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng (CNVQP), người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở y tế quân đội và chế độ phụ cấp chống dịch (gọi tắt là Thông tư 109). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân xin cung cấp một số nội dung cơ bản về thông tư trên. 

Chế độ phụ cấp thường trực 

Trao đổi với chúng tôi về nội dung Thông tư 109, Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiên cứu - Tổng hợp, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cho biết: “Thông tư 109 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chế độ phụ cấp chống dịch đối với sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ, CNVQP, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở y tế quân đội đã được xếp lương theo quy định của Chính phủ và thành viên ban chỉ đạo chống dịch các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chống dịch. Thông tư gồm 10 điều, hướng dẫn cụ thể phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; chế độ phụ cấp thường trực; chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; nguyên tắc và trách nhiệm chi trả; nguồn kinh phí thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...".

Theo đó, chế độ phụ cấp thường trực được thực hiện theo nguyên tắc: Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm theo ca kíp hoặc làm thêm giờ. Trường hợp thiếu nhân lực, không thể bố trí người làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ thì phải bố trí người lao động thường trực 24/24 giờ. Đối với khoa, khu vực đặc biệt gồm: Khoa hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa hồi sức sơ sinh, khoa điều trị tích cực, khoa cấp cứu, khoa chống độc; chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tâm thần thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí người lao động làm việc theo ca.

Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 354 khám, chữa bệnh cho người có công.

Dựa theo nguyên tắc trên, người tham gia thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế trong quân đội được hưởng mức phụ cấp thường trực như sau: Đối với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thì mức hưởng là 115 nghìn đồng/người/phiên trực; các bệnh viện hạng II, Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm Y học dự phòng phía Nam, Viện Pháp y Quân đội thì mức hưởng là 90 nghìn đồng/người/phiên trực; các bệnh viện, đội y học dự phòng thuộc các quân khu, quân đoàn và các cơ sở y tế trong quân đội có quy mô từ 20 giường trở lên thì mức hưởng 65 nghìn đồng/người/phiên trực; đối với các cơ sở y tế trong quân đội còn lại mức hưởng 25 nghìn đồng/người/phiên trực. Riêng khu vực hồi sức cấp cứu và khu vực chăm sóc đặc biệt ở các cơ sở y tế trong quân đội thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên tại khu vực thông thường của các cơ sở y tế cùng hạng; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, Tết được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

Phụ cấp chống dịch và phẫu thuật, thủ thuật

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Dũng, đối với chế độ phụ cấp chống dịch được áp dụng với người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; tham gia chống dịch; trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm (gọi chung là tham gia chống dịch) thì được hưởng phụ cấp chống dịch như sau: Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A là 150 nghìn đồng/ngày/người; bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B là 100 nghìn đồng/ngày/người; bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C là 75 nghìn đồng/người/ngày. Nếu tham gia chống dịch vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên. Nếu tham gia chống dịch vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên. Trường hợp dịch chưa được công bố nhưng cán bộ, nhân viên phải đi giám sát, điều tra, xác minh dịch cũng được hưởng mức phụ cấp theo quy định trên.

Về chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, Thông tư 109 quy định: Đối với người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính thì mức phụ cấp loại đặc biệt là 280 nghìn đồng; loại I là 125 nghìn đồng; loại II là 65 nghìn đồng; loại III là 50 nghìn đồng/người/ca phẫu thuật. Người phụ mổ, người phụ gây mê hồi sức hoặc phụ châm tê thì mức phụ cấp loại đặc biệt là 200 nghìn đồng; loại I là 90 nghìn đồng; loại II là 50 nghìn đồng; loại III là 30 nghìn đồng/người/ca phẫu thuật. Đối với người giúp việc cho ca mổ thì mức phụ cấp loại đặc biệt là 120 nghìn đồng; loại I là 70 nghìn đồng; loại II là 30 nghìn đồng; loại III là 15 nghìn đồng/người/ca phẫu thuật. Mức phụ cấp thủ thuật bằng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại.

Nguyên tắc tiến hành chi trả các mức phụ cấp quy định trên không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn; các đơn vị căn cứ vào khả năng nguồn tài chính của mình và kết quả, chất lượng công việc của người lao động, thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định mức phụ cấp cao hơn, nhưng mức tăng thêm tối đa không quá 1 lần so với mức quy định; chế độ phụ cấp thường trực; phụ cấp chống dịch; chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch nhóm A được tính trên cơ sở số ngày thực tế tham gia theo phân công của cấp có thẩm quyền và được trả cùng tiền lương hằng tháng. Thông tư 109 có hiệu lực từ ngày 6-10-2014 và thay thế Thông tư số 294/2003/TT-BQP ngày 23-12-2003 của Bộ Quốc phòng. Chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định tại Thông tư 109 được tính hưởng từ ngày 15-2-2012.

Việc ban hành Thông tư 109 thể hiện sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đối với cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ sở y tế quân đội, qua đó, khích lệ, động viên đội ngũ y sĩ, bác sĩ không ngừng học tập, nâng cao y đức, làm tốt hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Thực hiện Thông tư 109 cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ thầy thuốc trong quân đội; đồng thời là giải pháp căn bản từng bước khắc phục và hạn chế tới mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

Bài và ảnh: DUY THÀNH