Đây là những điểm đáng lưu ý trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố. Tuy nhiên, cộng đồng DN cho rằng, vẫn còn nhiều nút thắt cần được chính quyền các địa phương tháo gỡ.
Chi phí phi chính thức giảm mạnh
Báo cáo PCI năm 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 DN, đang hoạt động ở 22 địa phương tại Việt Nam. Chia sẻ về kết quả nổi bật của Báo cáo PCI năm 2021, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, PCI bình quân đã có sự thay đổi so với năm trước. Điểm PCI gốc năm 2021 đạt 65,53 điểm, cao hơn 1,6 điểm so với điểm PCI gốc năm 2020 và liên tục tăng từ năm 2017 đến năm 2021. Như vậy cho thấy, trong bối cảnh các địa phương phải đối diện với nhiều khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian.
 |
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). |
Phân tích cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, DN ghi nhận tính năng động của chính quyền địa phương có kết quả tốt nhất từ trước tới nay. Theo đó, có tới 85,6% DN nhận thấy, UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; 74% DN đồng ý với nhận định “khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh” và 62% DN cho biết, chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân.
Thêm điểm sáng nổi bật trong Báo cáo PCI năm 2021 được ông Đậu Anh Tuấn đề cập chính là chỉ số chi phí phi chính thức của các DN đã giảm mạnh, cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. “Điều tra vào năm 2015-2016 cho thấy, cứ 10 DN, có tới 7 DN phải chi trả chi phí phi chính thức. Tới năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 41,4%. Điều này thể hiện tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước cũng như những nỗ lực cải cách hành chính từ Trung ương tới địa phương đã phát huy tác dụng”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Dù vậy, Báo cáo PCI năm 2021 cho thấy, nhiều DN vẫn gặp phiền hà với một số lĩnh vực như thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng. PCI năm 2021 cũng chỉ ra những gánh nặng tuân thủ của DN với các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện và những trở ngại từ lâu mà DN gặp phải khi tiếp cận
Chất lượng cải cách phụ thuộc vào tư duy, quyết tâm của lãnh đạo
Bảng xếp hạng PCI phản ánh trải nghiệm thực tế của DN về các khía cạnh trong hoạt động điều hành kinh tế địa phương. Kết quả PCI so sánh được giữa các tỉnh, thành phố và giúp thúc đẩy hành động cải cách. Chính vì vậy, nhìn vào bảng xếp hạng PCI, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, để cải thiện được thực chất năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đem đến sự hài lòng cho DN, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương.
Dẫn chứng về nhận định này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc cải thiện các chỉ số PCI nằm trong tầm tay của chính quyền các địa phương và có thể thực hiện ngay, với chi phí không cao nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn... Ví như công khai thông tin về các cơ chế, chính sách liên quan đến DN, hay chủ động hỗ trợ DN tiếp cận chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai, hay hướng dẫn tuân thủ các quy định... Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI với 73,02/100 điểm và là lần thứ 5 liên tiếp giữ vị trí này trên bảng xếp hạng chỉ số PCI.
“Để có được thành quả này, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong sáng kiến về cải thiện môi trường kinh doanh. Ít có địa phương đạt được thành công trong thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng, từ đường cao tốc, cho đến cảng biển, sân bay. Quảng Ninh có cách tiếp cận rất thực chất trong việc lắng nghe và tìm giải pháp để nhà đầu tư đã vào Quảng Ninh là hài lòng, gặp thuận lợi, thông qua mô hình ban hỗ trợ đầu tư, tổ chăm sóc các nhà đầu tư...”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Bảng xếp hạng PCI năm 2021 cũng cho thấy, Hải Phòng vượt 5 bậc lên đứng thứ hai với 70,61/100 điểm. Đây là vị trí cao nhất từ trước đến nay của địa phương này nhờ việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cùng những nỗ lực về đối thoại với DN, nhà đầu tư. Đáng chú ý, bảng xếp hạng PCI năm 2021 đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Vĩnh Phúc với 69,69/100 điểm, tăng 24 bậc, đứng thứ 5 toàn quốc.
Chia sẻ về hành trình chinh phục bảng xếp hạng PCI năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, đó là một chặng đường vô cùng khó khăn và nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất trong triển khai thực hiện cải thiện chỉ số PCI chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức. Để cải thiện chỉ số PCI, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra mục tiêu “3 tốt”, gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện; hạ tầng kỹ thuật tốt; phục vụ DN tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian, đơn giản hóa về thủ tục.
Bài và ảnh: VŨ DUNG