QĐND Online – Trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi, dinh dưỡng đúng cách để giúp nâng cao hiệu quả khi tiêm phòng cũng như khi bị bệnh là rất quan trọng. Đặc biệt, bệnh sởi có nhiều nguy cơ gây biến chứng, tử vong, đặc biệt đối với trẻ bị suy dinh dưỡng hay có kèm bệnh khác… Do đó, cần nâng cao sức đề kháng cũng như thể trạng của cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất là khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra ngày 26-4 về chế độ dinh dưỡng chăm sóc người bị sởi.

Theo đó, bệnh sởi sẽ tiến triển nặng và dễ bị biến chứng ở những người có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng hoặc người có hệ thống miễn dịch suy giảm, do vậy, cần tăng cường dinh dưỡng cho những người mắc bệnh sởi bằng cách:

- Ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình tiến triển bệnh.

- Thức ăn chế biến theo dạng lỏng, mềm, tùy theo sở thích của từng người bệnh.

- Bổ sung vitamin, khoáng chất (dưới dạng siro, cốm, viên uống … có chứa các vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng nhất là vitamin A, vitamin C và kẽm).

- Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý.

- Cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt là các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản để cung cấp kẽm và sắt, giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của cán bộ y tế bằng đường uống cho trẻ.

- Cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau giền đỏ, cải bó xôi, xúp lơ xanh…) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C … giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và nhanh làm lành các tổn thương, nhất là các tổn thương ở mắt, chống mù lòa. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt.

- Khi đang bị bệnh sởi không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri…., hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn mà đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.

- Uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Có thể cho uống nước hoa quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi bị sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Sau khi đã khỏi bệnh, cần ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là hai tuần để cơ thể nhanh trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.

Xông quả bồ kết, vỏ bưởi, tinh dầu chanh, lá dân gian chữa sởi hiệu quả

Theo Hướng dẫn phòng và điều trị bệnh sởi bằng y học cổ truyền mà Bộ Y tế mới ban hành, mọi người có thể đốt vỏ khô quả bưởi hoặc quả bồ kết khô hoặc đun nước củ sả hoặc nước cây mùi già để lau cửa, bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi và đồ dùng của trẻ để phòng bệnh sởi.

Ở nơi công cộng tập trung đông người (trường học, bệnh viện, bến tàu xe…), tùy theo điều kiện của cơ sở để vệ sinh môi trường sạch sẽ, chống lây chéo như dùng dung dịch có tinh dầu xả để lau, rửa. Đốt các loại tinh dầu có tác dụng khử trùng như: Chanh, cam, bưởi, hương nhu….

Đồng thời, vệ sinh thân thể bằng cách tắm, gội lá mùi già, lá và vỏ quả bưởi, vỏ quả chanh đun nước tắm gội hoặc lau toàn thân.Vệ sinh răng, miệng, mắt, mũi. Chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung các loại rau, củ, hoa quả tươi. Uống đủ nước (nước bột sắn dây, nước ép rau diếp cá).

Khi bệnh mới khởi phát thì điều trị bằng lá kinh giới, sài đất, diếp cá, bồ công anh, lá trẻ, dâu, cỏ nhọ nồi, hạt muồng sao, cam thảo nam hoặc mía sắc lên uống khi còn ấm trong vòng 3-5 ngày. Nếu ho dùng lá hung chanh, lá hẹ, quả quất hấp cách thủy với đường phèn hoặc nước mía, uống 3-4 lần/ngày.

Nếu sởi khó mọc thì lấy cây mùi già hoặc hạt mùi giã nát với rượu sát khắp người. Khi sởi lặn thì lấy lá dâu hoặc quả dâu chín, cỏ nhọ nồi, đỗ đen, cam thảo, lá sen sắc uống ấm, dùng trong 5-7 ngày.

Tắm bằng lá mùi già, lá và vỏ quả bưởi, vỏ chanh đun nước tắm gội, lau toàn thân. Cho trẻ uống đủ nước. Nấu đậu xanh cả vỏ để lấy nước uống. Uống bột sắn dây. Ăn nhẹ dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Vệ sinh sạch sẽ. Ở phòng thoáng mát, tránh gió lùa. Trong trường hợp bệnh nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đầy đủ.


NGUYỄN THẢO