QĐND Online – Sáng 28-10, sau khi Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hộ tịch, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.

Tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật hộ tịch như Chính phủ trình. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Dự án Luật này điều chỉnh cả vấn đề về hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân. Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em vì trẻ em sau khi sinh có quyền đăng ký khai sinh. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hơn nữa, giấy khai sinh là căn cứ pháp lý cho việc các thủ tục tiếp theo và là văn bản pháp lý đầu tiên Nhà nước cấp cho công dân, là căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác sau này của quản lý Nhà nước, kể cả việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi như quy định của điều 19 và điều 24 của Dự thảo Luật Căn cước công dân”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.

Đại biểu Huỳnh Văn Kính (Tiền Giang) thì khẳng định: Trẻ em có quyền đăng ký khai sinh và quyền hộ tịch (đây là một trong những nội dung quan trọng của công ước về trẻ em). Giấy khai sinh không có hạn sử dụng, không phải đổi như thẻ căn cước công dân mà được sử dụng suốt đời. Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ gây lãng phí, tốn kém.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng nhất trí cao với ý kiến đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) trong việc cấp giấy khai sinh được quy định tại Điều 16 và 36 về việc tiếp tục thực hiện cấp giấy khai sinh và các thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về trách nhiệm đăng ký và các thủ tục đăng ký khai sinh tại Điều 15 và 16 thì cần quy định cụ thể theo luật thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha mẹ, trẻ sinh ra do mang thai hộ… Những nội dung này đã được quy định tại khoản 1, Điều 16, nhưng theo đại biểu, để chặt chẽ hơn thì Dự thảo Luật cần đưa ra trong khoản 3, Điều 16 trong đó có nêu Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha mẹ, trẻ sinh ra do mang thai hộ và cần quy định chi tiết luôn trong Luật.

Đại biểu cho rằng, đây là một dự án luật có phạm vi điều chỉnh lớn, tác động đến mọi người dân theo suốt chiều dài cuộc sống và gắn những sự kiện quan trọng nhất của đời người. Dự án Luật Hộ tịch có một vị trí quan trọng, tạo cơ chế thể hiện sự trân trọng của Nhà nước đối  với việc thực hiện quyền con người, quyền công dân thiết yếu của mỗi cá nhân và cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong việc ban hành những văn bản luật về những vấn đề con người.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.

Đề nghị bổ sung thêm những quy định thật cụ thể và khả thi vào Chương 6 về trách nhiệm cũng như các chế tài, các hình thức thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các cơ quan chức năng và các cá nhân có liên quan, có trách nhiệm nếu để buông lỏng quản lý dẫn đến không đảm bảo các quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của các cá nhân mà đặc biệt là đăng ký khai sinh cho trẻ em, trẻ bị bỏ rơi, trẻ ngoài giá thú, trẻ lang thang cơ nhỡ để chấm dứt các hiện tượng như đã nêu ở trên.

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết: Thẩm quyền đăng ký hộ tịch quy định UBND cấp huyện đăng ký, xác định lại dân tộc, thay đổi, cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; UBND cấp xã đăng ký hộ tịch còn lại với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho các cấp chính quyền địa phương; đồng thời thực tế hiện nay, UBND cấp xã đang được giao thực hiện đăng ký cho một số loại sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài có tính chất đơn giản theo điều 96 Nghị định 58 năm 2005 và công tác này cơ bản thực hiện tốt, không có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, đại biểu nhất trí với dự thảo luật bổ sung thẩm quyền cho UBND cấp xã ngoài việc đăng ký hộ tịch với các trường hợp là công dân Việt Nam còn có thẩm quyền đăng ký với một số việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, đất liền được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 54 Dự thảo Luật. Bởi theo đại biểu, việc quy định và phân cấp về thẩm quyền như Điều 5 của Dự thảo Luật sẽ phát huy tối đa năng lực trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tăng cường thống nhất vai trò quản lý Nhà nước của cơ quan trung ương và của UBND cấp tỉnh. Việc phân cấp này sẽ giúp UBND cấp tỉnh chủ động về thời gian, tập trung nhân lực để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra với việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.

Mặt khác, khắc phục tình trạng như hiện nay ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân trong việc yêu cầu đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, việc chuyển giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện theo thực hiện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài như khoản 2, Điều 5 cần nghĩ đến việc thực hiện theo lộ trình, theo vùng, miền.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) thì cho rằng, Dự thảo Luật không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con, sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch. Cán bộ ở cơ sở sẽ bất lực khi mà thuyết phục cha mẹ đặt tên cho con thuần Việt.  Ví dụ như đặt tên xấu cho con như: Đinh Sâu Rum, Cao Ki A, tên xấu, tên mất thẩm mỹ gây mặc cảm như Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì; tên quá dài gây phức tạp như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân... Đây là một cái tên rất là dài của Việt Nam gây khó khăn khi làm các thủ tục. Cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán lâu nay. Tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp với phong tục, tập quán. Ví dụ, cha mẹ là người dân tộc RaGlai nhưng lại lấy họ Nguyễn đặt cho con làm phát sinh họ mới dẫn đến phải cải chính hộ tịch…

Đại biểu cũng chỉ ra tại khoản 2, Điều 25 có quy định thời gian là 2 ngày để ghi nhận sự kiện nhận cha mẹ con là quá ngắn và theo dự thảo cũng không quy định về thủ tục niêm yết nhưng lại có ghi là không có tranh chấp, như vậy là không hợp lý. Đại biểu đề nghị tăng thời gian và phải có thủ tục bổ sung thủ tục niêm yết tại UBND xã, phường. Vì Điều 44 của Dự thảo Luật công nhận cha mẹ con có yếu tố nước ngoài, có quy định vấn đề niêm yết và thời gian giải quyết có thể lên tới 15 ngày và đăng ký niêm yết cũng là 7 ngày.

PHÚC THẮNG

Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII
Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn
Hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội
462 tỷ đồng thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu
Tạo hành lang pháp lý để quản lý thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo
Đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ cho phù hợp với tình hình mới
Cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật
Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người ở Việt Nam
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân
Kinh doanh bất động sản: Vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng
Xây dựng BLDS trở thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật
Đề cao trách nhiệm vị trí TAND thực hiện quyền Tư pháp
Làm rõ chức năng công tố và chức năng tư pháp của Viện KSND

Gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt