Ảnh internet

Thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là tình trạng sử dụng công nghệ thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nhà nước và công dân thông qua các hoạt động ngân hàng. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, nếu người dân không cảnh giác, cơ quan chức năng không đấu tranh kiên quyết thì tình hình sẽ rất phức tạp.

Trong năm 2005 và 9 tháng đầu năm 2006 đã có hàng chục vụ lừa đảo liên quan đến hoạt động giao dịch ngân hàng bị phát hiện, xử lý. Đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2006 đã xảy ra 12 vụ lớn, đối tượng sử dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt của Nhà nước và nhân dân lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trung tâm giả-phát hành thẻ tín dụng giả

Lợi dụng sự thông thoáng trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một số kẻ xấu đã lập các trung tâm phát hành thẻ tín dụng giả. Điển hình phải kể đến là vụ việc xảy ra ở Trung tâm phát hành thẻ tín dụng giả có địa chỉ tại 324 Lê Duẩn, Trung Phụng, Đống Đa (Hà Nội). Trung tâm này đã hoạt động và bán thẻ tín dụng từ hơn một năm nay và đến ngày 8-9-2006 bị phòng An ninh Kinh tế Công an Hà Nội phát hiện. Sau khi bắt quả tang trung tâm này đang bán thẻ tín dụng giả cho 2 khách hàng, Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp và xác định đây là một trung tâm phát hành thẻ tín dụng giả, không có giấy phép hoạt động, không được ngân hàng nào ủy quyền. Cơ quan Công an đã thu tại chỗ 38 phiếu thu lệ phí của các khách hàng đã mua thẻ tín dụng tại trung tâm cùng nhiều giấy tờ, băng-rôn quảng cáo. Được biết trung tâm này đã giả mạo, tiến hành quảng cáo trên 7 quận thuộc TP Hà Nội và đã đặt 33 điểm bán thẻ tín dụng. Toàn bộ thẻ tín dụng được các điểm của trung tâm này bán ra không thể rút tiền ở bất cứ ngân hàng hoặc cơ sở tín dụng nào… Không chỉ riêng Hà Nội mà dạng hành vi lừa đảo này đã “có mặt” ở hầu khắp các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Trộm cắp thông tin về thẻ tín dụng

Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng một số người có trình độ cao về công nghệ thông tin tấn công vào các trang bán hàng trực tuyến hoặc mạo danh các trang bán hàng trực tuyến để lấy cắp các thông tin về thẻ tín dụng của khách hàng, câu kết, móc nối với nhau để in thẻ giả, rút hàng tỷ đồng từ các máy rút tiền tự động ATM cả ở Việt Nam và nước ngoài. Đáng nói nhất là vụ 10 đối tượng trong đường dây làm thẻ tín dụng giả vừa bị truy tố mới đây tại Hà Nội. Một trong những nhân vật quan trọng trong đường dây này là Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty RC. Đường dây tội phạm công nghệ cao này chuyên xâm nhập, phá khóa hệ thống bảo mật (password) thông tin của khách hàng để lấy cắp thông tin của các chủ thẻ tín dụng, sau đó bán thông tin lại cho nhau hoặc trực tiếp làm giả thẻ ATM để rút tiền của ngân hàng. Bằng thủ đoạn này, Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng bọn đã rút 2,6 tỷ đồng từ ngân hàng. Cơ quan Công an đã thu giữ 10 bộ máy vi tính, 4 máy in thẻ tín dụng giả… Mở rộng điều tra vụ án, Công an tiếp tục phát hiện, bắt giữ Nguyễn Trung Trực, 23 tuổi, là sinh viên mới ra trường (rất giỏi về công nghệ thông tin) đang làm việc cho một trung tâm công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh. Bằng cách làm thẻ tín dụng giả, Trực đã nhiều lần cùng một sinh viên khác là Nguyễn Đình Cường rút hơn 500 triệu đồng từ các máy ATM trong nước. Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, đầu năm 2005, Trực và Cường đã sang Thái Lan tiếp tục thực hiện hành vi rút tiền từ máy tự động của Ngân hàng Vietcombank (Thái Lan).

Mới đây nhất, vào ngày 20-10, Công an TP Hải Phòng đã phối hợp với cảnh sát Ô-xtrây-li-a đã bắt Vũ Ngọc Hà, trú tại Hải Phòng về hành vi trộm cắp tiền qua Internet. Hà là đối tượng có trình độ về công nghệ thông tin và thường vào các diễn đàn hacker để trao đổi, học cách phá khóa bảo mật (password) của các thẻ tín dụng để trộm cắp tiền. Trong một thời gian ngắn, Hà đã phá khóa bảo mật thẻ tín dụng của nhiều công dân Ô-xtrây-li-a, rút trót lọt khoảng 500 triệu đồng từ các thẻ này rồi chuyển vào tài khoản của mình tại hai ngân hàng thương mại trong nước…

Đôi điều cảnh báo

Rõ ràng, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tại cuộc họp báo về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế 9 tháng đầu năm 2006, đại diện Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tiếp tục cảnh báo về tình trạng một số đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin tấn công vào các hoạt động của ngành ngân hàng, phá khóa bảo mật thẻ tín dụng của các cá nhân để trộm cắp tiền.

Công nghệ làm thẻ tín dụng giả của bọn tội phạm là lập các trang web ngân hàng giả hoặc lập trang web bán hàng giả ở nước ngoài sau đó chúng gửi Email nặc danh với nội dung: để bảo đảm an ninh mạng yêu cầu khách hàng đổi password hay khai lại những thông tin liên quan đến tài khoản ngay trên trang web. Khi khách hàng cả tin, thực hiện đúng yêu cầu trên, hacker sẽ ung dung sở hữu toàn bộ thông tin bảo mật. Được biết loại thủ đoạn này xuất hiện từ khoảng đầu năm 2002 và số lượng ngày càng tăng, đa số các đối tượng là sinh viên, tuổi còn trẻ. Chúng thường cài đặt những chương trình ăn cắp tài khoản ngân hàng trực tuyến tại một số nơi mà người nước ngoài thường hay đến để truy cập Internet tại Việt Nam. Từ những thông tin đánh cắp được, để tạo ra những thẻ tín dụng giả phải có loại máy làm giả. Khi có máy chúng sẽ tạo mã thẻ phôi trắng sau đó bắn những thông tin thẻ tín dụng đánh cắp được lên phôi thẻ qua băng từ màu đen khi đưa qua máy. Khi đã có thẻ thì việc rút tiền rất đơn giản. Khi tham gia vào hoạt động giao dịch ngân hàng qua mạng Internet, các cá nhân phải hết sức cảnh giác với những thông tin từ các trang web ngân hàng, hay trang web bán hàng, nếu chưa đủ độ tin cậy thì không nên tham gia.

Qua những băng-rôn, tờ rơi, biển bảng... mà cơ quan chức năng thu được từ các vụ việc cho thấy nội dung quảng cáo của các đối tượng rất hấp dẫn. Chẳng hạn như trung tâm phát hành thẻ tín dụng giả, có địa chỉ tại 324 Lê Duẩn (Hà Nội). Trong băng-rôn quảng cáo của trung tâm này ghi: Nếu khách hàng mua thẻ tín dụng nạp tiền vào sẽ được hưởng quyền lợi miễn phí trong mua hàng, tiết kiệm lãi suất cao, vay ngắn hạn bằng tín chấp hỗ trợ chi phí phát triển thành viên... Như vậy, một điều nữa cần lưu ý người dân khi tham gia các giao dịch ngân hàng bằng công nghệ thông tin là phải tỉnh táo trước những lời quảng cáo “đường mật”. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này. Nếu không có những biện pháp kiên quyết, triệt để thì tình hình trên sẽ trở thành rào cản rất lớn đối với nền kinh tế mà trực tiếp là ngành Ngân hàng khi nước ta gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhóm Phóng viên Quốc phòng-an ninh