QĐND - Ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có vợ chồng cụ Lê Văn Ba và Nguyễn Thị Ban đã ở độ tuổi 94-95, tay chân run rẩy mỗi khi thấy khách đến chơi đều nắm chặt tay và hỏi: "Thằng Bá con tôi ở mô? Sao nó đi mãi không về?...". Rồi trên gương mặt già nua và đôi mắt trũng sâu của hai cụ ứa những giọt nước mắt...

Đồng chí, đồng đội đến viếng liệt sĩ Lê Văn Bá tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.

 

Được biết, anh Lê Văn Bá là con lớn nhất và là con trai độc nhất của gia đình 5 người con. Khi vừa tốt nghiệp cấp ba anh đã xin phép cha mẹ (là hai cụ Lê Văn Ba và Nguyễn Thị Ban) được lên đường nhập ngũ. Rồi tháng 5-1972, anh lên đường nhập ngũ và vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Cũng từ đó đến nay, hai cụ Lê Văn Ba và Nguyễn Thị Ban mòn mỏi chờ thông tin của con trai.

Chị Lê Thị Kha (em gái anh Lê Văn Bá) mở tủ lấy tập hồ sơ của anh trai đưa cho chúng tôi xem. Gọi là tập hồ sơ, nhưng vỏn vẹn có hai tờ giấy: Công văn số 1378/CS ngày 25-10-1978 (Công văn chuyển Di vật và tiền của liệt sĩ sau hy sinh) và thư chia buồn của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An gửi hai cụ Lê Văn Ba và Nguyễn Thị Ban. Nội dung Công văn số 1378/CS có ghi: “Kính gửi ông Lê Văn Ba, Đức Sơn, Anh Sơn, Nghệ Tĩnh. Chúng tôi báo tin để gia đình được biết: Đồng chí Lê Văn Bá-đơn vị KB đã hy sinh ngày 4-7-1973. Đơn vị chuyển giao số tiền riêng của liệt sĩ (5 đồng) về Ty Thương binh-Xã hội Nghệ Tĩnh ngày 2-11-1977”. Còn nội dung thư chia buồn của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An do Trung tá Đặng Chính Đoàn ký có đoạn viết: “Chúng tôi thương tiếc báo tin gia đình ta biết, đồng chí Lê Văn Bá đã từ trần ngày 4-7-1973 trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu. Thi hài của đồng chí được đơn vị mai táng theo nghi thức quân đội ngoài mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vô cùng thương tiếc đồng chí Bá đã hy sinh và cũng rất tự hào vì đơn vị và gia đình có người thân đã nêu cao tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng vì “sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”… Nhân dân và quân đội đời đời biết ơn đồng chí!”.

Văn bản của Cục Chính trị Quân đoàn 4 gửi Bộ CHQS tỉnh Nghệ An.

 

Cụ Lê Văn Ba nắm tay chúng tôi thều thào: “Thằng Bá hy sinh từ năm 1973, nhưng đến tận bây chừ gia đình vẫn chưa nhận được báo tử và cũng chẳng thấy các cơ quan chức năng tổ chức lễ truy điệu cho nó! Tội quá mấy chú ơi!”.

Rời gia đình hai cụ, chúng tôi tìm đến gặp các CCB đã công tác, chiến đấu với quân nhân Lê Văn Bá trước đây. Đó là Trung úy, CCB Nguyễn Hữu Tuyên (nguyên Phó trưởng Phòng Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An); CCB Nguyễn Đình Kỳ, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ  huyện Anh Sơn; CCB Trần Văn Tiếp, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ 24; CCB Trần Công Hưng, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1… Mặc dù đã ở cái tuổi thất thập, nhưng họ vẫn nhớ như in về trận chiến mà đồng đội Lê Văn Bá đã anh dũng hy sinh. Những CCB này đều khẳng định, Binh nhất Lê Văn Bá đã hy sinh ngày 4-7-1973 tại mặt trận suối Ba Chiêm, ngã ba cây Sấy, đường Lộ Đỏ, thuộc tỉnh Tây Ninh trong trận càn của địch.

CCB Nguyễn Hữu Tuyên cho biết: "Sau trận càn của địch, chính tôi và một số anh em trong đơn vị đã đi thu dung và tổ chức mai táng Binh nhất Lê Văn Bá tại ngã ba cây Sấy, đường Lộ Đỏ, thuộc tỉnh Tây Ninh. Năm 1978, chúng tôi vẽ sơ đồ để Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ CHQS TP Hồ Chí Minh có cơ sở tìm và đưa hài cốt Binh nhất Lê Văn Bá về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố…”.

CCB Nguyễn Hữu Tuyên còn cho biết thêm: “Năm 2003, tôi cùng chị Lê Thị Kha đến Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh Nghệ An nhờ giúp đỡ, xác minh. Tại đây, Thiếu tá Trần Hồng Ngọc, Trợ lý chính sách khẳng định: “Không có tên liệt sĩ Lê Văn Bá trong danh sách liệt sĩ là con em Nghệ An hy sinh trên các chiến trường trong những năm đánh Mỹ. Sau đó, chúng tôi tìm đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng nhận được kết quả tương tự. Chúng tôi lại tìm cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, mặc dù cán bộ quản lý hồ sơ lưu trữ đã nhiệt tình tìm kiếm, nhưng vẫn không có kết quả”.

Không bỏ cuộc, chị Lê Thị Kha đã gửi thư đến đơn vị cũ của anh trai mình nhờ xác minh, giúp đỡ. Ngày 14-12-2010, Đại tá Nguyễn Kim Bình, Phó chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn 4 đã ký Công văn số 502, gửi Bộ CHQS tỉnh Nghệ An (công văn này cũng được gửi cho gia đình liệt sĩ Lê Văn Bá). Nội dung như sau: “Qua truy lục hồ sơ lưu trữ có tên liệt sĩ Lê Văn Bá, sinh năm 1953, quê quán xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhập ngũ tháng 5-1972. Đi B tháng 10 -1972; cấp bậc: Binh nhất; chức vụ: Chiến sĩ; Đơn vị C1, D1, Lữ 24 (nay là Lữ 434/QĐ4), hy sinh ngày 4-7-1973. Nơi hy sinh: Lộ Đỏ, Kông Tum, Tây Ninh. Họ tên cha: Lê Văn Ba, mẹ Nguyễn Thị Ban. Trường hợp hy sinh: Bị nổ trái phá. Theo hồ sơ quân nhân Lê Văn Bá được xác nhận là liệt sĩ. Hiện mộ liệt sĩ Lê Văn Bá an táng tại ngôi số 7, hàng 41, khu M20, Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Vậy, Cục Chính trị xác nhận và thông báo cho các đồng chí được biết để giải quyết cho đương sự”.

Sau khi nhận được công văn của Cục Chính trị Quân đoàn 4, cụ Lê Văn Ba và gia đình đã gửi đơn kèm hồ sơ giấy tờ liên quan đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh đề nghị truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công (Hồ sơ gồm có: Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ. Giấy chứng nhận thân nhân trong gia đình liệt sĩ và phiếu xác minh xác nhận liệt sĩ quy định tại Điểm 1 Thông tư 25/2007 của Bộ LĐ-TB&XH; cùng với phiếu xác minh quân nhân, CNVQP hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ của Ban CHQS huyện Anh Sơn). Nhưng thật lạ, tất cả vẫn rơi vào im lặng!

Đến Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) tìm hiểu nguyên do, thì được ông Nguyễn Ngọc Khâm một cán bộ của phòng cho biết: Quân nhân Lê Văn Bá thuộc đối tượng do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An xử lý. Từ trước đến nay chưa hề có bất kỳ bộ hồ sơ nào của huyện Anh Sơn gửi về, trong đó có hồ sơ các bác muốn tìm. Còn khi đến Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thì nhận được câu trả lời: Trường hợp này Ban Chính sách trả lại hồ sơ về cho gia đình vì chưa đúng thủ tục...

Quân nhân Lê Văn Bá chiến đấu, hy sinh, đã được đơn vị cũ (Quân đoàn 4) xác nhận, nhưng mãi vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Sự chậm trễ này khiến dư luận xã hội ở địa phương rất bức xúc. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, cụ thể là Bộ CHQS tỉnh Nghệ An khẩn trương giải quyết.

Bài và ảnh: THUẬN THẮNG