QĐND Online - Lại một lần nữa trong một hội nghị về du lịch, vấn đề thành lập lực lượng cảnh sát du lịch được đại diện các công ty du lịch nhắc đến với một mong muốn chính đáng nhằm bảo vệ du khách, tạo hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài.

Những năm qua, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì ngành du lịch vẫn có những bước phát triển đáng kể với tỷ lệ tăng trưởng hơn 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS năm 2003 và suy thoái kinh tế thế giới năm 2009). Thế nhưng, bên cạnh những con số “vàng” đạt được, ngành du lịch vẫn phải đối mặt trực tiếp với hàng loạt khó khăn, thách thức, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách luôn luôn là vấn đề nóng. Hàng loạt các hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sầm Sơn, Hạ Long, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt... Những hiện tượng này đã khiến hình ảnh về Việt Nam bị mất điểm trầm trọng trong mắt du khách nước ngoài. Thống kê lượng khách quốc tế muốn quay trở lại Việt Nam lần thứ hai là rất thấp đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo, nếu không có hướng giải quyết kịp thời, du lịch Việt Nam sẽ dần đánh mất vị thế của mình khi ngày càng có nhiều quốc gia trong khu vực đầu tư phát triển cho du lịch.

Những vị khách nước ngoài liên tục khoát tay từ chối vẫn bị một người bán hàng rong đeo bám quyết liệt trên đường phố Hà Nội. Ảnh: tuoitre.vn.

Vấn đề thành lập lực lượng cảnh sát du lịch không phải là vấn đề mới thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể cho ra đời lực lượng bảo vệ trật tự, gìn giữ an toàn cho du khách trong khi tại các quốc gia khác, lực lượng cảnh sát du lịch đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã triển khai lực lượng cảnh sát du lịch gồm 101 người tại thủ đô Seoul nhằm đáp ứng lượng du khách ngày càng tăng. Những cảnh sát này được giao nhiệm vụ đi tuần tiễu khắp các phố phường và giúp đỡ  khách du lịch tới tham quan thủ đô. Bất cứ người dân nào có dấu hiệu chèo kéo, bắt chẹt đối với khách du lịch và bị lực lượng này phát hiện đều sẽ bị đưa ra xử lý. Các cảnh sát du lịch còn được tập huấn về cách trò chuyện với khách du lịch và họ sẽ luôn nở nụ cười bất cứ khi nào có máy ảnh hoặc máy quay chiếu vào.

Tại Thái Lan, cảnh sát du lịch coi mình như “người bạn đầu tiên” của khách du lịch. Khách du lịch có thể gọi đến bất kỳ lúc nào vào số 1155. Cảnh sát du lịch Thái Lan cũng có trang web riêng, trong đó có những lời khuyên bổ ích về sự an toàn cho khách khi đến Thái Lan. Sự hiện diện của họ làm khách du lịch an tâm. Mới đây, cảnh sát du lịch Thái Lan còn cho ra mắt ứng dụng miễn phí Tourist Buddy nhằm góp phần đảm bảo sự an toàn cho khách du lịch khi đến xứ sở Chùa Vàng. Thông qua Tourist Buddy, du khách có thể tìm kiếm được vị trí các địa điểm mình muốn kèm theo những gợi ý an toàn từ cảnh sát. Chẳng hạn, Buddy cảnh báo du khách tại Phuket và Pattaya thận trọng khi chơi trò mô tô nước (jet ski). Không chỉ thế, khi du khách gặp những vấn đề không an toàn, Tourist Buddy sẽ giúp cảnh sát du lịch tìm đến vị trí của họ một cách nhanh chóng nhất.

Theo ông Đống Lương Sơn, Tổng giám đốc Khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang, không thể không thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại Việt Nam, bởi vì, chỉ có lực lượng này mới có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn của du khách cũng như giữ gìn trật tự, trả lại cho du lịch Việt Nam hình ảnh đẹp trong mắt du khách nước ngoài.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng, ý kiến của các doanh nghiệp du lịch về việc thành lập một lực lượng chuyên trách giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh của du khách là hoàn toàn chính đáng.

Hiệu quả của việc thành lập đội ngũ cảnh sát du lịch đã rõ, đặt ra yêu cầu, sớm hình thành lực lượng này tại Việt Nam để bảo vệ lợi ích cho du khách, tạo ấn tượng đẹp cho khách quốc tế khi đến Việt Nam.

BĂNG CHÂU