Mất điện diện rộng tại Trung Quốc do phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện, trong khi nguồn cung than đá lại thiếu trầm trọng; Ấn Độ căng thẳng nguồn than cho sản xuất điện; thiếu hụt xăng dầu, khí đốt tại châu Âu; giá nhiên liệu như than đá, khí đốt, dầu thô tăng vọt ở châu Âu và châu Á... đang là những diễn biến nổi cộm trong bức tranh năng lượng toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt năng lượng tại nhiều quốc gia được đánh giá sẽ ngày càng trầm trọng trong mùa đông khi nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các khu vực đông dân cư.

 Dự án điện gió Hồng Phong 1, tỉnh Bình Thuận.

 

Theo các chuyên gia năng lượng, cuộc khủng hoảng này đã đưa ra nhiều lưu ý cho vấn đề an ninh năng lượng tại Việt Nam. Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá, giai đoạn 2020-2021, Việt Nam bảo đảm cung cấp đủ điện do phụ tải điện giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời gian tới, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, nhu cầu điện tăng cao, việc cung ứng điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện các nguồn điện phát triển rất chậm; một số hồ thủy điện đang thiếu hụt nguồn nước; còn các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có sự rủi ro lớn về mức độ biến động, khó dự báo. Đề cập tới tiến độ các dự án nguồn điện, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các quyết định bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 là 35.470MW. Tuy nhiên, thực tế tổng công suất đã đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 28.377MW. Đáng chú ý, do nhiều dự án nhiệt điện than ở miền Bắc chậm triển khai (tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 33,9% quy hoạch), số dự án điện mặt trời, điện gió được phát triển chủ yếu tại miền Trung, miền Nam nên làm mất cân bằng cung-cầu từng miền.

Nhìn vào cơ cấu nguồn điện cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia sử dụng điện từ nhiệt điện khá cao. Trong khi đó, lượng than khai thác trong nước ngày càng khó khăn, Việt Nam phải tăng cường nhập khẩu than để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Cụ thể, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342MW, trong đó, thủy điện là 20.993MW (chiếm 30,3% công suất, 29,6% sản lượng); nhiệt điện than là 21.383MW (chiếm 30,8% công suất và 50% sản lượng); điện khí 9.025MW (chiếm 13,1% về công suất, 14,6% sản lượng); điện gió và mặt trời hơn 17.000MW (chiếm 24,6% về công suất và 4,1% sản lượng)... “Việc nguyên liệu đầu vào như than đá phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhấn mạnh.

Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến khuyến nghị, hệ thống điện Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn điện, tránh trường hợp một nguồn chiếm tỷ trọng quá lớn; đồng thời phải tính đến tỷ lệ công suất hợp lý của năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống theo từng giai đoạn, vấn đề lưu trữ năng lượng... Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn cho biết, việc đa dạng hóa nguồn cung đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp và có kế hoạch đầu tư cho lưới điện truyền tải liên vùng, liên quốc gia; xem xét các công nghệ lưu trữ năng lượng... Riêng đối với nguồn nhiên liệu nhập khẩu, cần phải có sự chủ động trong việc mua các nhiên liệu ngắn hạn, trung hạn; đầu tư hạ tầng các kho chứa...

 Công nhân điện lực Tổng công ty Điện lực miền Trung sửa chữa hệ thống điện.

 

Trước bối cảnh thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện. Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164MW. Bộ cũng thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực, thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200MW), phấn đấu tổ máy số 1 hòa lưới điện vào tháng 5-2022. Đồng thời, với mục tiêu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai xây dựng những đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào; đồng thời xây dựng và đề xuất cơ chế cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện, bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện, nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc...

Bài và ảnh: MINH ĐỨC