Ưu đãi thuế ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá cao những quy định khuyến khích đầu tư, các quy định về miễn, giảm thuế, nhất là trong việc góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước và góp phần giải quyết nhiều vấn đề mang tính xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, qua nhiều năm thực hiện, các quy định liên quan đến chính sách thu, trong đó có các quy định về miễn, giảm thuế đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định.
Trước hết, chính sách miễn, giảm thuế được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi khá rộng và đối tượng được miễn, giảm ngày một tăng, tác động tới thu ngân sách Nhà nước. Theo ước tính của Chính phủ, cứ giảm 1% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước giảm thu 6.000 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2013, khi Việt Nam miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước đã giảm thu 2.080 tỷ đồng. Năm 2014 giảm thu 2.500 tỷ đồng. Đó là chưa kể trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã áp dụng liên tục 6 nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế và cũng tác động phần nào đến thu ngân sách.
Thuế thu được từ hàng hóa xuất-nhập khẩu đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu ở cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN KIỂM
Việc miễn, giảm thuế cũng góp phần làm giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước. Năm 2011, tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 26%, đến năm 2015, tỷ lệ chỉ còn 23,8%. Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ động viên từ thuế, phí đạt 24,9%; giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 20,9%, không đạt mục tiêu đề ra là từ 22-23%. Trong khi đó, tỷ lệ động viên từ thuế của các nước trong khu vực cao hơn rất nhiều, như Lào là 23,4%, Ma-lai-xi-a là 24,5%. Không chỉ có vậy, theo đại biểu, việc miễn, giảm thuế trong một số trường hợp cũng tạo ra sự chưa bình đẳng trong cạnh tranh giữa người được miễn, giảm và đối tượng không được miễn, giảm.
Đáp lại ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quá nhanh để khuyến khích đầu tư, cộng với rất nhiều chính sách miễn, giảm thuế ở những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cao, chính sách giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế thu nhập cá nhân dẫn tới ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 1% GDP, giảm tỷ lệ động viên từ thuế, phí vào ngân sách Nhà nước. Vì thế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội ủng hộ, đồng tình với hướng đề xuất không ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Phòng, chống trốn thuế, chuyển giá
Một tình trạng khác được các đại biểu chỉ ra như một trong những nguyên nhân làm thất thu ngân sách Nhà nước là trốn thuế và chuyển giá.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) kiến nghị Chính phủ lưu tâm tới vấn đề kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đại biểu đánh giá, trong những năm qua, vấn nạn chuyển giá, trốn thuế thông qua việc mua bán vật tư, vật liệu, bán sản phẩm chuyển giao công nghệ đã xảy ra tương đối nhiều. Theo kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá của ngành thuế cho thấy, có tới hàng trăm doanh nghiệp FDI trên cả nước liên tục khai lỗ để trốn thuế với số tiền truy thu, truy hoàn lên tới cả nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nước ta, đồng thời thất thoát nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Về tình trạng trốn thuế, khai man thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Để giải quyết tình trạng này, ngành thuế đã đổi mới, hiện đại hóa phương thức quản lý, đẩy mạnh việc doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm. Sắp tới, ngành thuế sẽ tiếp tục cải cách một bước việc thực hiện hóa đơn điện tử.
Riêng về vấn đề chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề cập tới “điều rất mừng và rất khó” mà Bộ Tài chính đã kiến nghị, xây dựng, trình Chính phủ và Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định chống chuyển giá. Người đứng đầu ngành tài chính nói, hiện tượng chuyển giá không phải chỉ ở khâu sản xuất, mà xảy ra ngay từ khâu đầu tư. Chẳng hạn, thiết bị cũ nhưng khai là mới, mua thiết bị giá thấp nhưng khai giá cao để trích khấu hao được nhiều nhằm trốn thuế. Vì vậy, sự kiểm soát của ngành thuế chỉ là “phần ngọn”. Từ đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong nhận được sự phối hợp của các ngành, các cấp trong kiểm soát các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, ngay từ khâu đầu tư để phòng, chống chuyển giá.
Được biết, năm 2016, qua công tác thanh tra, kiểm tra 91.419 doanh nghiệp, ngành tài chính đã kiến nghị thu về ngân sách Nhà nước 17.285 tỷ đồng, phạt và chi hoàn 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ 7.491 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.942 tỷ đồng. Đây là những con số thể hiện thực tế chuyển giá rất lớn. “Tinh thần bây giờ chủ yếu là hậu kiểm, nên càng làm càng phát hiện ra, chúng ta cũng phải chấp nhận hiện trạng như thế để tiếp tục chấn chỉnh, để tiếp tục điều chỉnh lại chính sách. Cho nên việc này chưa thể hết ngay được”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Khắc phục tình trạng nợ đọng thuế
Đề cập tới tình trạng nợ đọng thuế dẫn tới ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng, một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề: Nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý còn chiếm tới hơn 10%. Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi: “Có yếu tố tiêu cực trong lĩnh vực thu thuế không?”.
Đại biểu Dương Xuân Hòa (đoàn Lạng Sơn) nêu các con số thống kê cụ thể, ví dụ như nợ đọng thuế năm 2015 do ngành thuế quản lý là 79.276 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 2014, nợ thuế do ngành hải quan quản lý là 6.529 tỷ đồng giảm 8,18% so với năm 2014. “Theo nhận thức của tôi, đây là vấn đề lớn liên quan đến các chính sách về ba đột phá chiến lược về ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo điều hành quyết liệt để khắc phục những mặt hạn chế về công tác này trong thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2016-2021”, đại biểu Dương Xuân Hòa nêu ý kiến.
Báo cáo với Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, qua thanh tra, kiểm tra, số thu nợ thuế hằng năm rất cao. Cụ thể, năm 2014 thu về 31.000 tỷ đồng nợ thuế, năm 2015 thu về 37.000 tỷ đồng nợ thuế, năm 2016 thu về tới 42.000 tỷ đồng nợ thuế. Vì vậy, số liệu nợ thuế trong phạm vi giới hạn 90 ngày và hơn 90 ngày có khả năng thu hồi giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 3%. Nếu tính cả khoản không có khả năng thu hồi khoảng từ 25.000 đến 26.000 tỷ đồng, cộng với khoản tiền phạt khoảng 19.000 tỷ đồng nữa thì tỷ lệ nợ thuế nằm trong định mức khoảng dưới 5%.
Như vậy, với sự vào cuộc giám sát của Quốc hội và sự hành động của Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan, vấn đề miễn, giảm thuế sẽ ở mức phù hợp, tình trạng trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng thuế đang ngày càng được phòng, chống hiệu quả hơn. Nếu những “nút thắt” đầu vào của ngân sách Nhà nước này được xử lý triệt để, thu ngân sách Nhà nước sẽ được bảo đảm tốt hơn, tạo thêm nguồn lực cực kỳ quan trọng để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đặc biệt là bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh trường hợp các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị “bóp nghẹt” do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trốn thuế.
CHIẾN THẮNG