QĐND - Để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh tại Việt Nam, năm 2002, Tạp chí Hankyoreh 21 (Hàn Quốc) vận động tài trợ xây dựng Công viên Hòa Bình Việt - Hàn  tại xã Hòa  Hiệp Trung (nay là thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Công trình được xây dựng với tổng vốn đầu tư 100.000USD  trên diện tích 8000m2. Đây là công viên lớn nhất tỉnh Phú Yên hiện nay, được xây dựng với nhiều hạng mục mang tình hữu nghị Việt - Hàn nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cho nhân dân địa phương.

Sau gần một năm xây dựng, công viên được khánh thành vào đầu năm 2003. Tuy nhiên, quá trình sử dụng do không được đầu tư kinh phí bảo dưỡng, tôn tạo và sửa chữa, nên các hạng mục chóng xuống cấp. Và cho đến thời điểm hiện nay thì đã xuống cấp nghiêm trọng. Khi chúng tôi có mặt tại Công viên Hòa Bình Việt - Hàn thì chỉ có cổng phụ được mở đủ cho một người có thể lách vào bên trong, còn cửa chính ra vào công viên thì đã gỉ sét, không thể mở ra được nữa. Bên trong công viên, cỏ lác mọc ken dày, nhiều ghế đá vứt chỏng chơ trên khắp các lối đi. Công trình mỹ thuật cộng đồng mang tên Hòa Bình do các họa sĩ Hàn Quốc, Việt Nam và các em thiếu nhi Phú Yên thực hiện, các phần màu sắc đắp trên những viên gạch vuông đã bị mưa nắng làm rơi rụng, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, khá độc đáo như “Trụ sinh mệnh” (sotdea), quả địa cầu phía trên có hình đôi chim bồ câu… cũng bị mục nát, gãy đổ; đôi chim bồ câu đã “bay” đi mất…

Một góc Công viên Hòa Bình Việt - Hàn đang dần bị hoang phế.

Ông Nguyễn Phong Bình (thương binh hạng ¼), người trông coi công viên cho biết:  “Do công viên ở gần biển nên những thứ bằng sắt thép đều bị hơi muối nhanh chóng ăn mòn gây gỉ sét. Tôi đã nhiều lần đề nghị sửa chữa, thay mới nhưng cấp trên nói không có kinh phí, nên công viên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trước kia, cứ mỗi quý, xã  cấp cho 1 lít thuốc diệt cỏ để trừ cỏ dại trên lối đi thì còn đỡ, nay phải đến hai, ba quý mới  được cấp một lần hoặc chỉ khi nào có những đoàn khách đến tham quan thì mới được cấp. Vậy nên trong công viên giờ đây cỏ mọc rậm rịt, hoang tàn…”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hội, một người dân ở gần Công viên Hòa Bình Việt - Hàn tâm sự: “Xã này lên thị trấn đã mấy tháng nay, nhưng cái gốc vẫn là nông thôn. Đối với dân nông thôn, có được một công viên to, đẹp như rứa chúng tôi rất vui mừng và tự hào. Trước đây, không chỉ dịp lễ, Tết, mà hằng ngày công viên cũng đón nhiều người dân đến tập thể dục, hóng mát. Các cháu học sinh đến đây vui chơi múa hát, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, công viên còn đón cả khách đến tham quan. Mấy năm trở lại đây, công viên xuống cấp trầm trọng, nên chẳng ai ngó ngàng tới. Buổi tối không có điện chiếu sáng, nơi này trở thành tụ điểm hoạt động của kẻ xấu”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, Công viên Hòa Bình Việt - Hàn được giao cho xã (nay là thị trấn) Hòa Hiệp Trung trực tiếp quản lý, trông coi, kinh phí cấp cho thị trấn mỗi năm khoảng 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung: "Với nguồn kinh phí ít ỏi đó, thì chỉ có thể thuê người bảo vệ và chi trả tiền điện nước. Chúng tôi đã nhiều lần có tờ trình gởi Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND huyện Đông Hòa đề nghị cấp kinh phí để tôn tạo, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời tiếp tục thi công giai đoạn 2, hoàn thiện Công viên Hòa Bình. Công văn gửi đi nhiều lần, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì..”.

Theo chúng tôi, để công trình tiền tỷ tránh khỏi tình trạng ngày càng hoang phế, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng sớm triển khai kế hoạch đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp Công viên Hòa Bình Việt - Hàn để nơi này trở lại vị trí là địa chỉ văn hóa như vốn có trước đây.

Bài và ảnh: XUÂN HIẾU