Đánh giá kết quả đạt được trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn năm 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong giai đoạn này, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006-2010, trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD, chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.
Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho thấy vai trò quan trọng của nguồn lực vay ODA và ưu đãi nước ngoài.
Về dư nợ, tính đến ngày 31-12-2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3%GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50%GDP theo Nghị quyết của Quốc hội ).
Về tình hình giải ngân vốn vay, trong giai đoạn 2011-2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ VND). Trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD, chiếm 82,3%; vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD, chiếm 11%; vay thương mại là 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng trị giá giải ngân.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2016, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực của bộ, ngành Trung ương và địa phương đã được quan tâm, theo đó đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng); đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
 |
Toàn cảnh phiên họp chiều 9-8. Ảnh: quochoi.vn. |
Cùng với đó, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng tới cam kết, góp phần giúp Chính phủ từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
Đánh giá hiệu quả của các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Trong giai đoạn này, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, năng lượng , môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Một phần quan trọng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là vốn viện trợ không hoàn lại đã được sử dụng để hỗ trợ giảm nghèo bền vững thông qua Chương trình 135 giai đoạn II, dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên; một số dự án tạo lập sinh kế cho người nghèo nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương như dự án phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An; các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...
“Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng để thúc tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả, thành công của nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này. Đó là, việc đàm phán, ký kết hiệp định vay nợ còn một số bất cập; công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế; có nhiều địa phương có những dự án tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp so với tổng mức đầu tư của dự án, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định; việc phân bổ vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, miền; nhiều địa phương khó khăn gặp trở ngại khi tiếp cận, huy động, xây dựng dự án sử dụng vốn vay. Tỷ trọng các dự án trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, xã hội thấp; một số dự án có thời gian vận động, thu hút nhà tài trợ kéo dài từ 3-5 năm làm mất tính cấp thiết, lạc hậu về công nghệ; bên cạnh các khoản nợ nước ngoài được trả đầy đủ, đúng tiến độ cam kết thì còn có những dự án trả nợ chậm tiến độ, có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước...
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, cần xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đang giảm dần; từng bước giảm tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tập trung vay vốn ODA để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định; các địa phương phối hợp với các nhà tài trợ để đàm phán, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, bảo đảm hài hòa giữa pháp luật Việt Nam và quy định của Nhà tài trợ...
THẢO NGUYÊN