Mô hình GVCĐ được coi là kênh huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng cung cấp cho các dự án đầu tư trên cơ sở đồng thuận về ý tưởng kinh doanh được đưa ra bởi tổ chức, cá nhân cần huy động vốn và các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ cho dự án kinh doanh đó. Khi góp vốn vào các dự án huy động vốn bằng mô hình GVCĐ, các nhà đầu tư sẽ nhận được những lợi ích nhất định khi dự án hoàn thành thông qua một số hình thức góp vốn điển hình, như: Góp cổ phần giống như việc mua cổ phiếu một công ty mới có tiềm năng, người đầu tư sẽ nhận lại cổ phần và lợi nhuận nếu dự án kinh doanh có lãi; góp vốn cho vay, vốn vay sẽ được huy động từ vốn góp của cộng đồng hoặc từ những người đã kinh doanh thành công từ hình thức này nhằm tạo ra dòng vốn luân chuyển lớn để giúp các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ); ủng hộ dự án từ thiện, là hình thức các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trung tâm bảo trợ; nhận phần thưởng tri ân là hình thức huy động vốn để thực hiện những ý tưởng mới, đột phá, chưa bao giờ có. Khi dự án dựa trên những ý tưởng đó thành công, người tài trợ vốn có thể nhận được những phần thưởng tri ân (thường là sản phẩm được tạo ra từ dự án) hoặc được mua sản phẩm với giá thấp hơn giá trị thị trường từ 30 đến 50%.

Ở Việt Nam, hình thức GVCĐ được thực hiện theo hướng tự phát, Nhà nước vẫn chưa có biện pháp quản lý. Hoạt động GVCĐ trở nên rõ nét từ năm 2013 sau sự xuất hiện của ig9.vn, sàn gọi vốn từ cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam. Ig9.vn đã mang đến cho cộng đồng 40 dự án gọi vốn thành công, với quy mô từ 7 đến 15 triệu đồng cho một dự án. Tuy nhiên, ig9.vn đã phải dừng hoạt động trong năm 2013. Đến năm 2015, một số nền tảng GVCĐ hình thành như Comicola (ra đời năm 2014), FirstStep (ra đời năm 2015 nhưng đã dừng hoạt động năm 2016), Betado (ra đời năm 2015), Fundstart (ra đời năm 2015)…

Thông thường, việc GVCĐ với mỗi dự án được thực hiện trong thời gian rất ngắn, từ 45 đến 60 ngày. Toàn bộ số tiền huy động sẽ được chuyển về tài khoản của chủ sở hữu nền tảng gọi vốn, từ đó chuyển cho chủ dự án thực hiện. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền huy động được sẽ chuyển trả lại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro có thể phát sinh nếu người gọi vốn không thực hiện ý tưởng kinh doanh và cho ra đời sản phẩm như đã hứa. Nhìn chung, từng hình thức góp vốn tiềm ẩn những rủi ro khác nhau, bên gọi vốn và bên cấp vốn đều phải tự chịu rủi ro.

 Theo Luật sư Trần Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Hoạt động GVCĐ hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật tương ứng điều chỉnh với bản chất của các hoạt động kinh doanh này. Như chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ GVCĐ, do đó không có cơ sở pháp lý áp dụng khi phát sinh tranh chấp. Cụ thể, về phía chủ dự án có nguy cơ bị đánh cắp hoặc sao chép ý tưởng kinh doanh, đặc biệt trong trường hợp việc gọi vốn không thành công nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định để điều chỉnh. Về phía các công ty cung cấp nền tảng công nghệ huy động vốn thì có thể rủi ro về việc áp dụng công nghệ để thẩm định thông tin dự án huy động vốn, rủi ro từ các hoạt động rửa tiền và rủi ro không thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ dự án với nhà đầu tư, hay việc bảo đảm hoạt động và uy tín của kênh huy động vốn đều chưa có quy định pháp luật áp dụng. Về phía nhà đầu tư có thể rủi ro, như khoản đầu tư đó không đến đúng với chủ dự án cần nhận vốn do hoạt động của kênh huy động vốn không được bảo đảm cũng là vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, các chủ thể tham gia có thể lợi dụng việc thiếu quy định pháp luật để gọi vốn trái phép, cho vay tín dụng đen… qua các nền tảng GVCĐ.

Bởi vậy, cần thiết lập cơ sở pháp lý phù hợp cho hoạt động GVCĐ, bảo đảm an toàn nguồn vốn của người góp vốn, giúp giảm các tranh chấp phát sinh và tránh thất thu thuế của các chủ thể từ hoạt động cung ứng dịch vụ GVCĐ. Đồng thời, cần quy định tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các công ty cung ứng nền tảng gọi vốn cũng như quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong quan hệ GVCĐ. Đặc biệt, với bên gọi vốn, pháp luật cần buộc trách nhiệm bảo đảm tính trung thực, tính chịu trách nhiệm về dự án gọi vốn; bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn huy động đúng mục đích, triển khai dự án đúng tiến độ như cam kết với những người góp vốn; bảo đảm đúng thời hạn, tiến độ hoàn trả lợi ích cho người góp vốn như cam kết.

DƯƠNG SAO