Theo các chuyên gia kinh tế, loại hình xe hợp đồng điện tử chính là phép thử đối với việc hoạch định chính sách trong định hướng thúc đẩy khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế. Cần tránh tiếp cận theo hướng: Không quản được thì cấm.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, Uber/Grab không phải là taxi dù. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Uber/Grab thuộc nhóm xe hợp đồng. Đáng chú ý, thông qua phần mềm công nghệ, trước khi lên xe, khách hàng đã biết lộ trình, phí phải trả và khi đó hợp đồng cũng đã được ký kết xong, có nghĩa đây là hợp đồng điện tử. Về bản chất, Uber/Grab và taxi là hai loại hình vận tải khác nhau nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam, nhiều nhà quản lý đã phân biệt không rõ ràng, đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính phản ứng đối với các hiện tượng mới này. Trong đó có quan điểm như cấm hoạt động, hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch). Do đó, theo TS Nguyễn Đức Thành, Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng dưới góc độ chính sách khi loại hình vận tải hợp đồng điện tử như Uber/Grab đang mang lại nhiều lợi ích đối với người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/vir.com.vn. 
Có chung quan điểm này, TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, từ khi thí điểm, Uber/Grab đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh vận tải. Lo ngại tình trạng “có thể thua ngay trên sân nhà”, một số hãng taxi truyền thống đã bắt đầu đổi mới công nghệ, cùng với đó hiện tượng tăng giá hầu như không còn nữa. Việc một số địa phương có phản ứng tiêu cực với loại hình kinh doanh vận tải mới này là chưa dựa trên đánh giá thấu đáo về lợi ích cho nền kinh tế và người dân. Quản lý Nhà nước cần hạn chế đúng chỗ, chứ không nên “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Theo đó, để bảo đảm sự công bằng, khách quan và tôn trọng yếu tố thị trường, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của Uber/Grab để có lựa chọn chính sách tốt nhất trong xu hướng hội nhập sâu rộng, nhất là trong bối cảnh đất nước đang tích cực chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Uber/Grab hiện nay là phép thử với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống. Nếu chúng ta từ chối Uber/Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình vận tải này thì sẽ trái với định hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Đó sẽ là thông điệp xấu không chỉ với ngành vận tải mà còn với các ngành khác. Phản biện về quan điểm xe hợp đồng điện tử đang gây ùn tắc giao thông như ý kiến một số doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống nêu, TS Nguyễn Đức Thành phân tích: "Trên thực tế, một chiếc xe Uber/Grab vận hành thì cũng có nghĩa là ít nhất một loại phương tiện khác tạm dừng. Cho nên, việc hạn chế xe Uber/Grab với mục đích làm giảm ùn tắc giao thông là chưa hợp lý. Thay vì hạn chế xe hợp đồng điện tử, lẽ ra phải thúc đẩy taxi truyền thống phát triển lên một bước mới, ứng dụng công nghệ để giành lại thị phần".

Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đây là mô hình kinh tế mà cá nhân hoặc các nhóm người có thể cho nhau mượn hay thuê tài sản của mình để sử dụng. Mục đích là tăng hiệu suất sử dụng tài sản để tạo ra tiền và giảm khoảng thời gian nhàn rỗi không dùng đến. Vì thế, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới như Uber/Grab là việc nên làm để nền kinh tế chia sẻ phát triển ở Việt Nam. Cùng với đó, cạnh tranh là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường. Thiết nghĩ, con đường duy nhất để các hãng taxi truyền thống cạnh tranh được với loại hình kinh doanh vận tải mới là tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản trị, giảm chi phí… nhằm giảm cước phí, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách. Nếu muốn tồn tại trong một thế giới đang hội nhập, các doanh nghiệp vận tải taxi cũng như các doanh nghiệp khác phải tự thân vận động, đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh chứ không nên trông chờ vào một chính sách có lợi cho riêng mình. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng và xây dựng “luật chơi” công bằng và bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.

VŨ DUNG