Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đã nảy sinh nhiều hệ lụy mà một trong những nguyên nhân chính là do thiếu tầm nhìn và thiếu sự tiếp cận đa chiều trong công tác quy hoạch.
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là một ví dụ. Từ một đô thị được xem là mẫu mực về quy hoạch, có bản sắc độc đáo, không gian sống lý tưởng, có vị trí, vai trò và sức hấp dẫn lớn trước đây thì nay đang trở nên quá tải, xô lệch và đánh mất dần hình ảnh của chính mình. Những năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển TP Đà Lạt, tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng như “viễn cảnh” mà các bản quy hoạch vạch ra đã và đang cho thấy nhiều bất cập bởi các bản quy hoạch dường như chỉ chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt mà không tính đến yếu tố lâu dài, nặng về yếu tố kinh tế mà coi nhẹ các yếu tố văn hóa, môi trường, di sản. Nhiều nội dung còn mang tính rập khuôn, lặp lại quy hoạch của nhiều đô thị khác, thậm chí bị chi phối bởi lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích nhóm, quá trình thực hiện chưa tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đã đề ra... khiến nhiều khu vực trong thành phố bị bê tông hóa với các công trình nhà ở, khách sạn dày đặc. Rừng ngày càng thu hẹp, di sản kiến trúc có giá trị bị xuống cấp, mai một. Nhiều công trình kiến trúc mới không hòa hợp với kiến trúc cũ...
Để đô thị phát triển hài hòa, chất lượng thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn và có sự tiếp cận đa chiều trong công tác quy hoạch. Không phải cứ quy hoạch định hướng phát triển đô thị hiện đại là đập bỏ đi những công trình cũ; không phải quy hoạch thành đô thị du lịch là chỉ chú trọng xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn mà còn phải lưu ý tới rất nhiều lĩnh vực khác. Để thực hiện được điều này, đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch cần có năng lực, tâm huyết; cấp ủy, chính quyền cần có cơ chế bảo đảm tính minh bạch, tầm nhìn dài hạn, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm; có sự tham vấn của nhiều lực lượng, đặc biệt là chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, môi trường...
VŨ ĐÌNH ĐÔNG (ghi)
Ông NGUYỄN VĂN HUỆ, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Quan tâm đến chất lượng các công trình giao thông
Qua theo dõi phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể liên quan tới những vấn đề, như: Xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; thực hiện quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư quốc lộ, đường bộ cao tốc và trách nhiệm của bộ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chưa thỏa đáng, còn chung chung, chưa đi vào những vấn đề cụ thể.
Hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc Việt Nam rất cao, nhưng còn nhiều tồn tại, bất cập. Đơn cử như đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 1,64 tỷ USD (34.500 tỷ đồng), phần lớn trong số này là vốn vay nước ngoài. Thế nhưng, công trình hàng chục nghìn tỷ này vừa đưa vào sử dụng sau hơn một tháng đã rạn nứt, bong tróc mặt đường, xuất hiện nhiều ổ gà, không chỉ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông mà còn khiến niềm tin bị giảm sút. Dư luận đặt nhiều câu hỏi: Liệu chất lượng tuyến đường này có bảo đảm? Quá trình thiết kế, thi công có vấn đề? Có hay không sự rút ruột ở công trình này? Và rồi trước các sai phạm về chất lượng dự án đường cao tốc đoạn Đà Nẵng-Quảng Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tiến hành kiểm điểm và xem xét kỷ luật 10 tập thể và cá nhân có liên quan.
Theo tôi, cần giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, nhất là tăng cường quản lý chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế cũng như lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, bảo đảm tính khách quan, hiệu quả, xử lý nghiêm những biểu hiện “rút ruột” công trình. Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch doanh thu thu phí đường bộ.
VĨNH LỘC (ghi)
Ông MAI VĂN THÀNH, Khu vực 4, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ: Không để xuất hiện các khu dân cư tự phát
Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Bộ trưởng đã không né tránh vấn đề được chất vấn, thẳng thắn nhận trách nhiệm người đứng đầu về những tồn tại, yếu kém của ngành mình.
Thực tế tình trạng giao đất không qua đấu giá cho nhà đầu tư thiếu tiềm lực tài chính khiến dự án triển khai ỳ ạch, kéo dài, đến lúc thanh tra thì có quá nhiều sai phạm buộc phải thu hồi dự án. Việc buông lỏng quản lý quy hoạch, quy hoạch “treo” hàng chục năm, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng để hình thành các khu dân cư tự phát, xây dựng không phép tràn lan là thực trạng khó chấp nhận trong quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố nói chung và TP Cần Thơ nói riêng thời gian qua.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có biện pháp xử lý nhưng vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", không có sự chuyển biến mạnh mẽ. Theo tôi, các cấp, ngành cần kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng đất, không để phát sinh các khu dân cư tự phát, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
THÚY AN (ghi)