Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Internet

Tôi là Lương Thị Sơn hiện sống ở phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 2007, một biến cố lớn đã xảy ra với cuộc sống của tôi khi tôi bị nhồi máu cơ tim, phải nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Nhưng thật may mắn khi tôi được các bác sĩ chuyên khoa A2 và B4 của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) phẫu thuật tim và nối bắc cầu vành kịp thời, tận tình chăm sóc sức khỏe cho tôi không kể ngày đêm và có thể khẳng định cuộc sống của tôi có được như ngày hôm nay chính là nhờ sự thành công của ca phẫu thuật đó.

Là một cựu chiến binh nhiều năm chiến đấu ở chiến trường, từng bị thương được các chiến sĩ quân y cứu chữa tôi thấy trong chiến tranh cũng như hôm nay những người chiến sĩ áo trắng của ngành quân y vẫn luôn giữ vững được trọng trách cao cả là hết lòng cứu chữa, tận tình chăm sóc bệnh nhân, làm hết sức mình để đem lại niềm vui về sức khỏe cho người bệnh. Ngày nay, trong điều kiện các cơ sở khám, chữa bệnh quá đông, tồn tại ít nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh thì Bệnh viện 108 vẫn luôn là Trung tâm y tế lớn của cả nước, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng của bệnh viện đều là những con người giàu năng lực và tận tâm với nghề. Bác Hồ khi còn sống cũng đã luôn đánh giá cao vai trò của ngành Quân y, đã nhiều lần gửi thư chúc mừng động viên những cố gắng của toàn ngành, Bác mong: “Ngành Quân y cùng với ngành Y tế nhân dân chế được nhiều thuốc hay, tìm được nhiều cách chữa giỏi, góp phần tổ chức, hướng dẫn cho bộ đội cách ăn ở tốt và đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ, nhân viên tốt”. Với lời cảm ơn sâu sắc, tôi mong Bệnh viện 108 nói riêng và ngành Quân y nói chung sẽ hoàn thành tốt tâm nguyện của Bác Hồ, xứng đáng là những người chiến sĩ áo trắng luôn hết lòng chữa bệnh- cứu người.

LƯƠNG THỊ SƠN

(phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)