Việc hướng đến thống nhất một đầu mối KTCN là cơ quan hải quan được đánh giá sẽ tạo ra bước đột phá, không chỉ thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Cắt giảm hàng hóa phải kiểm tra chưa đạt yêu cầu

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy từng trường hợp cụ thể, hàng hóa xuất nhập khẩu để được thông quan phải xuất trình các chứng từ liên quan, như: Giấy phép, chứng từ KTCN... Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết cơ quan KTCN không có lực lượng kiểm tra tại cửa khẩu. Điều này khiến doanh nghiệp muốn có chứng từ KTCN phải qua nhiều cơ quan, tốn thời gian chờ đợi. Theo yêu cầu của Chính phủ, đến hết năm 2019 phải cắt giảm 50% số mặt hàng xuất nhập khẩu phải KTCN. Mặc dù vậy, thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, từ quý II-2015 đến tháng 12-2019, số mặt hàng được cắt giảm là hơn 12.000, từ gần 82.700 mặt hàng xuống còn khoảng 70.000. Kết quả này còn ở mức khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hàng hóa thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: NGUYỄN VŨ

Bên cạnh cố gắng giảm số mặt hàng phải KTCN, trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính liên quan đến công tác này. Một trong những điểm sáng là chuyển việc KTCN sang giai đoạn sau thông quan, chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Khắc phục dần tình trạng một mặt hàng nhiều cơ quan cùng kiểm tra, qua nhiều bước. Thời gian KTCN đã được rút ngắn, từ trung bình 7 ngày xuống còn 1-3 ngày. Tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải KTCN từ mức gần 26% năm 2015 giảm xuống còn 19,1%. Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, lĩnh vực KTCN cần được tinh gọn hơn nữa. Đặc biệt, cần khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, người dân, doanh nghiệp cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, tại nhiều nơi.

Thống nhất một đầu mối tại cơ quan hải quan

Với mục tiêu cải cách toàn diện thủ tục KTCN, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đề án này, cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay có 8.129 dòng hàng phải KTCN gồm cả trước và sau thông quan. Cơ quan hải quan đã xác định được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với 7.306 dòng hàng, còn 823 dòng hàng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể hoặc lĩnh vực đặc thù.

Để có đủ điều kiện triển khai đề án, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần phải bảo đảm cơ sở pháp lý, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc một số nội dung của đề án chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cần xác định vướng mắc nằm ở luật hay nghị định, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nếu thống nhất một đầu mối KTCN cần có cơ quan thuộc Chính phủ. Do vậy, có thể cân nhắc thêm vị thế của cơ quan hải quan, nên để là cơ quan thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hay cơ quan ngang bộ. Cơ quan này không chỉ chịu trách nhiệm thông quan hàng hóa mà còn quản lý về chất lượng sản phẩm.  

Nhấn mạnh định hướng cơ quan hải quan là đầu mối thống nhất KTCN, còn các bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhìn nhận, điều này sẽ tránh được tình trạng hàng hóa ở cửa khẩu do quá nhiều cơ quan kiểm tra, gây tốn kém cho người dân, doanh nghiệp. "Hải quan kiểm tra trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật như luật, nghị định, thông tư... dựa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn do các bộ ban hành. Vì vậy, quan trọng là phải bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các dòng hàng chưa có. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ giữa các cơ quan trong kiểm tra hàng hóa", ông Ngô Hải Phan chia sẻ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng lưu ý, lộ trình thực hiện đổi mới KTCN hàng hóa xuất nhập khẩu cần thực hiện theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sửa đổi nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KTCN thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Giai đoạn 2 kiến nghị, đề xuất Quốc hội các vấn đề liên quan đến quy định của luật. "Nguyên tắc là không bỏ qua vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong KTCN, không thả lỏng, không để ảnh hưởng đến lợi ích, sức khỏe người dân. Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để góp phần giảm chi phí, giá thành sản phẩm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định. Lãnh đạo VPCP cũng đề nghị, cần có thời gian chuyển tiếp để các cơ quan sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự, bảo đảm cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả, thực chất.

MẠNH HƯNG