Tọa đàm “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn”do Báo Giao thông tổ chức ngày 10-11 với sự tham gia của đại diện Cục Hàng không, Cục lãnh sự, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia cùng đề xuất giải pháp mở lại đường bay quốc tế đảm bảo phòng, chống dịch.
 |
Các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Giao thông |
Các điều kiện để mở lại đường bay quốc tế đã được bảo đảm
Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cho rằng, hiện đã là “thiên thời địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đã tạo dựng nên luận điểm cho rằng đây là thời điểm phù hợp mở lại đường bay quốc tế. Chúng ta không thể chắc chắn bao giờ dịch kết thúc. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố.
Tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua đợt dịch thứ 4. Đợt dịch này có tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, chúng ta đủ điều kiện cần thiết về y tế, kinh tế để nối lại đường bay quốc tế.
Về vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: Đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…
Nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là các yêu cầu về cách ly y tế với khách nhập cảnh. Rất may là Chính phủ đã có những chỉ đạo rất sát sao, thực tế. Những kinh nghiệm tổng kết trong chống dịch đã giúp ích rất nhiều trong quá trình lên kế hoạch, triển khai hiện nay.
Đó là một quá trình khi thay đổi từ Zero Covid sang sống chung một cách linh hoạt thích ứng. Đây là một sự thay đổi rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá đây là giai đoạn thí điểm vận chuyển và đảm bảo kiểm soát người nhập cảnh, không để lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, hiện nay, điều kiện mở cửa đường bay quốc tế rất thuận lợi. Lâu nay, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài luôn trong tâm thế sẵn sàng để được mở cửa trở lại bất cứ lúc nào.
Chúng tôi đã có chương trình triển khai tới toàn bộ các đơn vị trực thuộc, tất cả các công ty phục vụ mặt đất, các đơn vị hàng không/phi hàng không,… để đảm bảo thực hiện chương trình xanh (hạ tầng, phương tiện xanh, con người xanh…).
Những nỗ lực này không chỉ trong nước mà cả các tổ chức quốc tế công nhận. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được Tổ chức Hội đồng sân bay quốc tế cấp chứng nhận Airport Health Accreditation (AHA). Đây là lời khẳng định từ quốc tế rằng, chúng tôi đã tuân thủ tất cả quy trình liên quan, đặt mục tiêu an toàn với hành khách, nhân viên lên đầu tiên.
Chậm mở cửa du lịch là mất cơ hội cạnh tranh điểm đến của Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines: Đúng là các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột.
Có 2 lý do chính để chúng ta cảm thấy sốt ruột. Thứ nhất, gần tất cả các hãng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có.
Nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ bị biến mất trên thị trường. Khi chúng ta mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm.
Thứ hai, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta chậm chân hơn trong khu vực của chúng ta như các nước Singapore, Thái Lan đã mở cửa khai thác thường lệ và đặc biệt phục vụ cho khách đi đến Thái Lan và Singapore.
Việc chúng ta chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, mở lại du lịch an toàn là cần thiết, chúng ta biết rằng, SARS-CoV-2 ảnh hưởng rất nặng nề đến du lịch quốc tế và Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng cũng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch. Theo tôi, việc phục hồi và kích hoạt trở lại hoạt động của ngành du lịch hiện nay quan trọng nhất là thích ứng.
Hiện toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng trở lại đón khách, từng bước mở cửa trở lại thị trường. Việc mở cửa thí điểm trở lại tại Thái Lan đã được triển khai từ 1-7-2021; Chương trình Asean box cũng mở cửa và tính đến giữa tháng 10 đã có khoảng 50.000 lượt khách quốc tế đến Thái Lan và 800.000 đơn vị phòng đã được đặt đến tháng 2-2022.
Trong số du khách quốc tế, chỉ có 91 người mắc Covid-19. Bất chấp số ca mắc vẫn tăng tại Phuket (Thái Lan) vẫn mở rộng đón du khách tiêm chủng từ đến từ hơn 45 quốc gia có nguy cơ thấp đến 17 khu vực, trong đó có Bangkok.
Tốc độ tiêm chủng nước ta hiện nay là 2 triệu mũi vắc xin/ngày là có tốc độ rất nhanh. Với phương châm chống dịch thay đổi từ Zero Covid sang sống chung, việc mở cửa là hoàn toàn hợp lý. Với tốc độ tiêm phủ của chúng ta nhanh như vậy, việc mở cửa là hoàn toàn phù hợp.
Từ những bài học của các quốc gia khác, Việt Nam xác định mở lại hoạt động du lịch quốc tế trên tinh thần ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giải quyết mọi tình huống phát sinh từ sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, để có kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo, từ đó tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.
Cần sớm thống nhất khái niệm “hộ chiếu vắc xin”
Về vấn đề “hộ chiếu vắc xin”, ông Trần Lê Phương, Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nói: Thông thường khi hoàn thành tiêm chủng vắc xin Covid-19, chúng ta sẽ được cấp mẫu giấy chứng nhận và tờ giấy đó đang được hiểu như “hộ chiếu vắc xin”.
Nhưng hiện tại, để tạo điều kiện cho hoạt động trong và ngoài nước, các bộ, ngành trên toàn quốc đang thống nhất một mẫu chung để giới thiệu, trao đổi với các nước.
Đa số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đều có mẫu hộ chiếu vắc xin riêng, nhưng đều có chung mục đích là giảm các rào cản đi lại cho người dân. Chẳng hạn, người mang hộ chiếu vắc xin có thể được giảm/miễn thời gian cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm…
Khi chúng ta ban hành mẫu hộ chiếu vắc xin phải có sự trao đổi thống nhất với các nước mà chúng ta dự định cùng mở cửa đi lại.
Với công dân Việt Nam, đặc biệt là du học sinh xuất cảnh ra nước ngoài, về cơ bản các nước đều tiếp nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam kèm theo một số điều kiện khác.
Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: Hộ chiếu vắc xin được phổ cập trong thời gian gần đây, các hãng hàng không, hành khách của hãng hàng không cũng phải biết về điều đó để thực hiện, để tạo thuận lợi cho di chuyển.
Nhưng điều quan trọng nhất mà các nước đang đồng thuận là giấy chứng nhận sức khoẻ kỹ thuật số để chứng nhận sức khỏe của một người mang giấy đó đã tiêm đủ vắc xin hay chưa, hay là bệnh nhân đã khỏi bệnh, hoặc vì lý do nào đó không tiêm vắc xin nhưng có xét nghiệm âm tính bằng tất cả loại xét nghiệm khác nhau.
Một loại nữa mà tôi nghĩ rằng y tế thế giới và các nước sẽ quan tâm là xét nghiệm kháng thể. Bất kể người ta có tiêm hay không tiêm, chỉ cần xét nghiệm kháng thể có hàm lượng kháng thể nhất định thì chứng tỏ người đó là an toàn để có thể đi lại.
Trong tương lai, hộ chiếu vắc xin sẽ được áp dụng rộng rãi và đây là một phần mềm mà các nước tự xây dựng, mỗi nước một phần mềm. Ở Việt Nam hiện nay có sổ sức khoẻ điện tử nhưng mới có thông tin người tiêm 2 mũi, chưa có F0 khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính hay có kháng thể.
Theo kinh nghiệm thực tiễn của tôi, đã tiêm vắc xin đủ 2 liều thì bệnh nặng có thể tránh được. Với Việt Nam, bất kỳ loại vắc xin nào cũng được công nhận và sẵn sàng chào đón du khách tiêm đủ vắc xin. Hy vọng trong tương lai không xa, hộ chiếu vắc xin hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ điện tử được áp dụng rộng rãi và các hãng hàng không Việt Nam sẽ tham gia vào chương trình đó.
Việt Nam sẽ tiên phong trong các nước để công nhận giấy chứng nhận sức khỏe điện tử để tạo điều kiện cho du khách, những người đi lại bằng đường hàng không phục vụ các mục đích khác nhau như: đi học, kinh doanh, du lịch, chữa bệnh.
Liên quan đến nội dung này, tôi có thể nói ngắn gọn, cái gọi là hộ chiếu vắc xin là thuật ngữ chung, là 1 giấy tờ hỗ trợ công dân có thể đi lại trong quá trình dịch bệnh mà cần di chuyển trên các chuyến bay quốc tế. Trong nhiều văn bản của nhà nước ta, Chính phủ đều quy định, thống nhất với các đối tác đều đề cập đến thuật ngữ này với nghĩa như vậy.
VIỆT CƯỜNG (tổng hợp)