Cùng với đó, từng doanh nghiệp luôn chú trọng phát huy hiệu quả các chính sách thu hút nguồn lực lao động để tạo đà phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Tăng tốc cho chặng “nước rút”

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực xưởng sản xuất, đóng hàng để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ông Võ Đình Sang, Chánh văn phòng Công ty Cổ phần Sản xuất thép VinaOne cho biết: “Toàn công ty đang quyết tâm cho những đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á và Hoa Kỳ để giữ vững uy tín, thương hiệu sau khi phải gián đoạn sản xuất do dịch bệnh. Thuận lợi của doanh nghiệp là chuỗi cung ứng đã được kết nối lại nhanh khi đi vào bình thường mới. Chúng tôi hy vọng những ngày cuối năm 2021 sẽ đạt sản lượng cao nhất có thể. Hiện công ty đã tích lũy được nhiều đơn hàng cho đến quý II năm 2022”.

  Công nhân đóng gói sản phẩm cho các lô hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Sản xuất thép VinaOne, Long An. Ảnh: Hồng Giang

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết doanh nghiệp tại Long An đã phục hồi sản xuất, kinh doanh khi tỉnh là địa phương mở cửa bình thường mới nhất ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau cao điểm chống dịch. Từ đó, đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao, lực lượng công nhân đã sớm trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc. Các doanh nghiệp trong tỉnh đang hoạt động theo mô hình “3 xanh” và ưu tiên về tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động.

Còn tại địa bàn Bình Dương, tìm hiểu tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) I và II, chúng tôi được biết có hơn 98% doanh nghiệp hoạt động trở lại, đang đẩy mạnh sản xuất, nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian cuối năm. Theo bà Hồ Huỳnh Thanh Thảo, Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH DADL, Khu công nghiệp VSIP II, doanh nghiệp đặt mục tiêu phục hồi 100% công suất vào đầu năm 2022. Hiện doanh nghiệp đang tập trung sản xuất những đơn hàng cuối năm để kịp cung ứng cho thị trường. Còn ông Đặng Đức Toàn, Giám đốc chuỗi cung ứng Nhà máy P&G, Khu công nghiệp VSIP II cho biết, các nhà máy đang phát huy tối đa công suất nhằm bảo đảm lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh thông tin: “Tất cả doanh nghiệp trong ngành đã trở lại sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch. Hầu hết doanh nghiệp đều tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, bảo đảm cung cấp hàng hóa đầy đủ cho người dân trong dịp cuối năm 2021”. Theo đó, các doanh nghiệp thực phẩm lớn như, Công ty Cổ phần Ba Huân, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam... cũng đang tăng tốc để phục vụ mùa hàng cuối năm. “Chúng tôi triển khai kế hoạch đầu tư hơn 754 tỷ đồng chuẩn bị hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến. Hiện công ty đang tăng ca để sản xuất đủ nguồn cung theo yêu cầu của đợt cuối năm 2021”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan chia sẻ thêm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước dịp cuối năm 2021 và quý I năm 2022, hơn 1.500 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đã tăng công suất 100%.

 Sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại Công ty TNHH TEXRAY, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, Long An. Ảnh: Hồng Giang

Giữ chân, kết nối nguồn lao động

Nhờ duy trì liên kết chặt chẽ với người lao động nên số lao động trở lại làm việc sau dịch đạt tỷ lệ rất cao, là yếu tố cơ bản giúp các doanh nghiệp phía Nam nhanh chóng hồi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh phấn khởi cho biết: “Từ tháng 12-2021, chúng tôi quyết định điều chỉnh lương cơ bản để tăng thu nhập của hơn 800 lao động với mức tăng 7,6%. Chúng tôi duy trì được sản xuất suốt thời gian qua, nhất là giai đoạn dịch cũng nhờ có người lao động gắn bó với doanh nghiệp nên việc tăng lương là thỏa đáng”.  

Tương tự, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, Khu công nghiệp Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp đã quyết định nâng lương cho hơn 400 lao động từ 5% trở lên. Ông Dũng phân tích, khi thành phố bình thường mới, nhà máy, phân xưởng gặp nhiều khó khăn nhưng chính người lao động vẫn an tâm sản xuất, gắn bó và không đòi hỏi quyền lợi chính là niềm hạnh phúc lớn. Người lao động chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp nên việc tăng lương rất phù hợp để doanh nghiệp phát huy được sức mạnh tổng lực cho khôi phục kinh tế thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Bà Hồ Huỳnh Thanh Thảo, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH DADL, Bình Dương chia sẻ: “Khi trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp đã mời gọi những lao động đã về quê trở lại bằng cách hỗ trợ chi phí đi đường cùng các chi phí khác cho người lao động. Doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị điện tử để công nhân chăm con nhỏ có thể tiếp tục làm việc trực tuyến tại nhà. Sức khỏe của người lao động vẫn được công ty đặt lên trên hết. Dịp Tết sắp tới, chắc chắn công ty sẽ có những đãi ngộ phù hợp”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực lao động để tăng tốc sản xuất, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phía Nam đã nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để triển khai kế hoạch phối hợp hỗ trợ, kết nối nguồn nhân lực bảo đảm thiết thực, phù hợp tình hình. Đồng thời, đề nghị, hướng dẫn các doanh nghiệp quan tâm củng cố bộ phận y tế tại doanh nghiệp theo quy định, tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Các địa phương phấn đấu bảo đảm 100% người lao động, kể cả lao động từ các địa phương trở lại làm việc trong doanh nghiệp được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương thông tin: “Đến nay, có hơn 422.500 lao động trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, đạt 87% tổng số lao động trước khi xảy ra dịch Covid-19. Như vậy, số lao động trong các khu công nghiệp chưa trở lại làm việc so với trước khi xảy ra dịch Covid-19 chỉ chiếm 13%. Để giữ chân người lao động, tỉnh đã khởi động chương trình nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nâng cấp nhà trọ với chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở cho người lao động với giá phù hợp để tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định”. Còn ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh thông tin thêm, các doanh nghiệp đang cân đối nguồn tài chính để thực hiện việc chăm lo cho công nhân, người lao động ở giai đoạn cuối năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch lương, thưởng Tết cho công nhân lao động. Một số doanh nghiệp khác thì đang phối hợp cùng công đoàn cơ sở cân đối nguồn lực trước khi công bố lương thưởng với mong muốn chăm lo tốt nhất, giữ chân người lao động ở giai đoạn phục hồi sản xuất và sau Tết Nguyên đán.

PHẠM HẢI MINH

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ