Thế nhưng, vượt lên những khó khăn, thử thách ấy, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng khoảng 2,3%, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn ngành đạt 41,3 tỷ USD đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước. Bên thềm xuân mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với các cơ quan báo chí về ngành nông nghiệp.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: NGUYỄN KIỂM.

Phóng viên (PV): Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả mà ngành đã đạt được trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2019 không chỉ khó khăn do tác động từ biến đổi khí hậu cực đoan, nắng nóng lịch sử. Chúng ta biết, ở Nghệ An, thời điểm nắng nóng tháng 6 có những nơi lên tới 42 độ C, rồi dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, những bất thuận diễn ra liên tục. Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, hợp tác xã đến bà con nông dân nên năm 2019, chúng ta vẫn đạt kết quả tổng quan rất tích cực. Xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD. Đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chúng ta đã hoàn thành được 54% số xã (4.806 xã); hệ số che phủ rừng của nước ta đạt được 41,85%.

PV: Để đạt được những kết quả trên, cần có sự tâm huyết, nhất là đối với người đứng đầu. Bộ trưởng chia sẻ gì về nhận định này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước tiên, tôi phải khẳng định lại rằng chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm đầy đủ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, hệ thống chính trị, đặc biệt là của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân cho đến người dân như bây giờ. Tôi khẳng định thế, vì sao? Vì từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đi đâu, nước nào cũng nói về nông sản; đấy là một sự quan tâm. Sự quan tâm đó không chỉ bằng chủ trương mà bằng các chính sách. Chỉ trong vòng 3 năm đã tăng gấp hơn 3 lần số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì đấy chính là sự quan tâm bằng hiện thực. Người nông dân Việt Nam rất sáng tạo. Tất cả những cố gắng đó đã biến thành hành động, tạo nên sức mạnh tổng thể. Vì thế, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển ở quy mô mới, hướng tới hội nhập sâu rộng, ngày càng hiệu quả trên từng trục sản phẩm, kể cả trục sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP.

Sản xuất chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ- Ảnh NGUYỄN KIỂM.

PV: Chưa bao giờ có phong trào doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lớn như bây giờ, nhất là sự tham gia của rất nhiều tập đoàn lớn. Thưa Bộ trưởng, đâu là sức hút của nông nghiệp trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Một là, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có hơn 750.000 doanh nghiệp; trong đó có bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn. Chúng ta đã đủ điều kiện về quản trị, tầm vóc về tài chính; quan trọng hơn là 34 năm đổi mới, chúng ta đã đủ khát vọng để tổ chức, thực hiện, giải quyết tốt những vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp mà trước đây không có điều kiện làm. Chúng ta xuất khẩu hơn 41 tỷ USD đi 185 nước trên thế giới. Cà phê xuất khẩu 3,5 tỷ USD.

Hai là, các chủ trương, chính sách của chúng ta hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. 63 tỉnh, thành phố liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi theo dõi trong 3 năm qua, xúc tiến đầu tư đều dành một phần rất quan trọng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; kể cả TP Hồ Chí Minh. Chính vì thế đã tạo nên sức mạnh, sức hút để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2019, KNXK của ngành nông nghiệp đạt con số khá ấn tượng, trong đó không thể không nói đến sự đóng góp của ngành lâm nghiệp. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết, phải nói ngành lâm nghiệp trong thời gian qua đã làm được 3 mục tiêu lớn:

Một là, đưa hệ số che phủ của Việt Nam lên đến xấp xỉ 42%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực cho dù trước đây, hệ số che phủ rừng nước ta bị tổn thương do chiến tranh. Bình quân ở châu Á chỉ có 29% và thế giới cũng chỉ xấp xỉ 26-28%.

Hai là, chúng ta đã tập trung hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp. Từ chỗ rừng Việt Nam chỉ tận dụng củi, một số lâm-thổ sản khác thì bây giờ đã trở thành ngành kinh tế. Năm 2019, chúng ta đã khai thác khoảng 7 triệu héc-ta rừng trồng, với gần 20 triệu mét khối gỗ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào KNXK mặt hàng đồ gỗ và lâm sản, đạt con số 11,3 tỷ USD.

Ba là, tạo việc làm cho gần 20 triệu lao động vừa là bán thời gian, vừa là cho sinh kế người dân… Đây là một cố gắng rất lớn. Ngành kinh tế lâm nghiệp của chúng ta đã có cố gắng vượt bậc để bảo đảm 3 trục: KNXK đạt 11,3 tỷ USD; môi trường, hệ số che phủ đạt gần 42%; giải quyết việc làm cho gần 20 triệu lao động bán phần và toàn phần. Có thể nói, đây là một trong những ngành đi đầu, tiên phong trong khối nông nghiệp hiện nay, bảo đảm được 3 trụ cột đi song hành.

PV: Vậy mục tiêu, kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp như thế nào? Và đâu là cơ sở để ngành nông nghiệp đạt được mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có lẽ nói về mục tiêu hay khát vọng thì năm sau luôn phải cao hơn năm trước. Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn, nhất là những thách thức về thị trường. Tuy nhiên, ngành sẽ phấn đấu đạt 42 tỷ USD trở lên. Mục tiêu này khó trong bối cảnh chung của toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao nhất và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, người dân, chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

NGUYỄN NGHINH XUÂN (thực hiện)