Tăng huyết áp, là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch, thường gặp trong cộng đồng và có tính chất gia tăng theo tuổi. Bệnh tăng huyết áp còn có tên là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh thường không có triệu chứng quá đặc biệt, nhưng lại dẫn đến nhiều biến chứng vô cùng tai hại thậm chí gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Thường xuyên kiểm tra huyết áp-biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh tim mạch. Ảnh: internet.

Vậy thế nào là tăng huyết áp và nguyên nhân? Trước hết, huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Huyết áp phụ thuộc ba yếu tố cơ bản là áp lực do tim co bóp, sự đàn hồi của thành mạch, tính chất và thể tích của máu, ngoài ra một số yếu tố như tình trạng cảm xúc (vui, buồn…), thời tiết (nóng, lạnh..), cảm giác đau đớn… cũng ảnh hưởng tới huyết áp. Một người được chẩn đoán là tăng huyết áp khi người đó có huyết áp tâm thu (tối đa, lên hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương (tối thiểu) lên hơn 90 mmHg với điều kiện có ít nhất hai lần đo khác biệt cho kết quả tương tự.

Tăng huyết áp do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Hẹp động mạch, mạch xơ vữa giảm đàn hồi (gặp ở người cao tuổi)… nhưng vẫn có 90% các ca bệnh không tìm ra nguyên nhân rõ ràng được gọi là bệnh “tăng huyết áp vô căn”. Vì sự đa dạng của nguyên nhân gây bệnh, nên không giống như một số người nghĩ, tăng huyết áp là bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thể trạng gầy béo ra sao. Những người béo phì hay tiểu đường sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn người bình thường.

Cách phòng bệnh tăng huyết áp: Thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp của bản thân và ghi vào sổ theo dõi cá nhân. Bệnh nhân có thể sử dụng máy đo huyết áp điện tử, tự động để tự đo nhưng thỉnh thoảng cần kiểm tra chéo lại bằng các máy đo huyết áp cơ học để tránh sai số. Bên cạnh đó, tích cực luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên để rèn luyện sức khỏe, đề phòng tình trạng tăng cân quá mức hay béo phì. Lưu ý cần phải chọn cho mình những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và thể trạng, tránh tập tạ vì nó làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó phải luôn giữ tinh thần vui vẻ hạnh phúc, tránh căng thẳng, stress. Có thể luyện tập các bài tập nhẹ nhàng như Yoga, Thái cực quyền hay Thiền… Đặc biệt là không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, café, thuốc lá; không nên ăn mặn, lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày dưới 5g. Không nên ăn các thức ăn có sử dụng nhiều dầu mỡ như xào rán, các thức ăn có hàm lượng cholesterol cao như phủ tạng động vật, bơ, phomas, các món ăn nhanh chế biến sẵn… Ăn nhiều rau xanh, củ qủa (ít nhất 500g rau củ quả/ngày)…

Điều trị bệnh tăng huyết áp: Với y học hiện đại tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp là gì mà bác sĩ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị phù hợp cho từng người (sử dụng thuốc hay không sử dụng thuốc, có cần can thiệp ngoại khoa hay không, có nguyên nhân nguyên phát nào gây ra hiện tượng cao huyêt áp không?...). Còn Y học cổ truyền phương Đông cho rằng cao huyết áp là chứng huyễn vựng thường là do can dương xung kèm âm hư (thường ở người trẻ), can thận hư (ở người cao tuổi), đàm thấp (ở người béo phì)… Tùy theo chứng trạng mà lương y sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Ví dụ như người ở thể can thận hư thì phép chữa sẽ là bồi bổ can thận… Bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi thường sẽ phải sử dụng thuốc hạ huyết áp liên tục như một biện pháp dự phòng. Phương pháp điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc đều phải kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt để đảm bảo việc điều trị là có hiệu quả thật sự.

Để biết rằng mình có bị bệnh tăng huyết áp hay không và phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất với bản thân, các bạn nên định kỳ tới cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe,  phát hiện bệnh và điều trị một cách kịp thời.

Bác sĩ: Đức Việt