QĐND - Đã thành lệ, những dịp lễ hoặc Ngày môi trường, ở TP Hồ Chí Minh lại diễn ra hoạt động thả hàng trăm nghìn con cá giống xuống các tuyến sông, tuyến kênh. Hoạt động này góp phần khôi phục nguồn lợi thủy sản trên các kênh rạch sau nhiều năm bị ô nhiễm nặng nề. Những dòng sông, con kênh giờ đây như được khoác thêm áo mới nhờ những công trình kè đá, đường ven bờ, đèn chiếu sáng, cây xanh… Mỗi chiều, trên hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Bến Vân Đồn dọc theo bờ kênh Đôi, kênh Tàu Hủ… hình ảnh những em bé đùa vui, thả những cánh diều bay trên nền trời xanh thẳm; những học sinh, sinh viên học bài, đọc truyện… tạo nên khung cảnh bình yên nơi thành phố mang tên Bác.
 |
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè "hồi sinh" trong lòng thành phố. Ảnh: Xuân Cường
|
Một trong những dấu ấn nổi bật trong quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp ở thành phố mang tên Bác là sự “hồi sinh” của những dòng sông, con kênh trong nội ô thành phố. Những dòng sông, kênh rạch một thời bị ô nhiễm nặng, trở thành nỗi khiếp đảm của người dân thành phố, không ai có thể ngờ giờ đây nó đã được khắc phục, cải tạo, trở thành những danh thắng thu hút du khách.
Sự "lột xác" ngoạn mục đó là kết quả từ những nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Hàng loạt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét kênh rạch, xử lý môi trường nước, di dời và giải tỏa nhà ven kênh rạch… được đồng loạt triển khai, hoàn thành. Theo ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 cho tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với nguồn kinh phí hơn 8.600 tỷ đồng, được triển khai hơn 13 năm qua đã hoàn thành và hiện nay, giai đoạn 2 với nguồn vốn 524 triệu USD đang được triển khai nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý rác thải kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, hạ lưu sông Đồng Nai...
Dự án “Di dời và tái định cư 15.000 hộ dân sống ven và trên kênh rạch nội thành” đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ VIII. Tiếp đó, UBND thành phố đã triển khai một loạt kế hoạch, chương trình hành động, di dời người dân ở các lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm và các chi lưu, kênh Tham Lương-Bến Cát, Vàm Thuật-rạch Nước Lên, các chi lưu Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Đôi- kênh Tẻ… để lấy mặt bằng xây dựng các tuyến hành lang, đường ven sông và các công trình cầu kết nối, tạo cảnh quan đô thị ven kênh rạch. Để có nguồn vốn triển khai dự án, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn vốn các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị ở quỹ đất ven kênh rạch. Nhiều khu nhà tạm bợ, nhếch nhác ven sông đã được di dời, thay bằng những con đường hiện đại, rộng thoáng, những công viên ven sông...
Đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Cùng với khôi phục môi trường, chỉnh trang đô thị ven sông, thành phố đang nỗ lực đầu tư, khai thác tốt mô hình du lịch sông nước, vận chuyển, lưu thông đường thủy. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành “Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng 50 bến tàu đón khách, phát triển các điểm du lịch và hạ tầng liên quan…".
Là người sinh sống lâu năm bên dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, ông Nguyễn Văn Ba, 65 tuổi, cán bộ hưu trí, bày tỏ: "Đổi thay nơi dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã mang lại cho chúng tôi cuộc sống mới. Người dân sống hai bên bờ kênh được thụ hưởng sự thư thái, an lành, mát mẻ, thưởng lãm vẻ đẹp sang trọng và những tiện ích như thể dục thể thao, vui chơi giải trí… Vấn đề cần làm hiện nay là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân trong việc giữ gìn môi trường, tổ chức các hoạt động văn hóa trên sông nhằm tạo nên những dòng sông của văn hóa, của du lịch...".
TRUNG KIÊN – NGUYỄN HẢI