Khó kiểm soát khi doanh nghiệp mất tích

Mặc dù đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn vẫn không có dấu hiệu giảm. Tại Bắc Giang, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang, tính đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh có 244 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 55,4 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, như: Công ty TNHH Fineland Apparel Việt Nam (nợ hơn 6 tỷ đồng); Công ty TNHH Prime Dokyoung (gần 2 tỷ đồng); Công ty TNHH May Yên Dũng (gần 900 triệu đồng)... Ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 3,7 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng hơn 200.000 lao động. Trong đó có khoảng 165.000 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ gần 83%. Tình hình doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài (từ 3 tháng trở lên) trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, trong số này có khoảng 310 doanh nghiệp FDI, nếu không quản lý chặt, khi doanh nghiệp nợ lương, BHXH kéo dài mà chủ sử dụng lao động bỏ trốn thì việc giải quyết quyền lợi của NLĐ sẽ khó tìm lời giải”.

Còn theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 20 trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn với 4.282 NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi, trong đó chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp may. Các doanh nghiệp này nợ tiền lương lên tới gần 24 tỷ đồng và nợ BHXH gần 59 tỷ đồng.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù đã có 62 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất. Tỷ lệ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích chiếm 50% trong doanh nghiệp ngừng hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, vướng mắc hiện nay là các quy định pháp luật chưa rõ ràng trong chế tài xử lý đối với doanh nghiệp giải thể, có chủ bỏ trốn...

 Xây dựng cơ chế, quy trình cảnh báo sớm

Thực tế trong thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi NLĐ ở những doanh nghiệp bỏ trốn, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đó, đối với doanh nghiệp đang nợ BHXH mà còn chủ sử dụng lao động thì Nhà nước cho doanh nghiệp vay không lãi suất để thanh toán nợ lương, đóng BHXH hoặc trợ cấp mất việc làm. Đối với doanh nghiệp mà chủ bỏ trốn thì UBND tỉnh, thành phố ứng ngân sách địa phương trả cho NLĐ khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ NLĐ. Cùng với đó, công đoàn các cấp đã thực hiện một số giải pháp, như: Hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng; tạm ứng quỹ công đoàn đóng tiền BHXH cho NLĐ với tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng... Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính ngắn hạn, không thể bảo đảm cuộc sống cho NLĐ về lâu dài. Hơn nữa, nếu không có những giải pháp quyết liệt, triệt để thì sẽ rất dễ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam đầu tư một thời gian rồi “bùng” bằng chiêu trò phá sản, mất tích.

Chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp bảo vệ quyền lợi NLĐ, ông Young Mo Yoon-chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp phá sản không phải diễn ra ngay lập tức mà luôn có dấu hiệu trước đó. Do vậy, cơ quan BHXH cần theo dõi, giám sát nghĩa vụ đóng BHXH của doanh nghiệp. Nếu 2-3 tháng mà doanh nghiệp không đóng BHXH thì xử lý ngay. Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp, tránh những việc đã rồi”.

Giải pháp này hiện nay cũng được BHXH nhiều địa phương triển khai, theo đó, để hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH với NLĐ, ngành chức năng, gồm: BHXH tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh thiết lập cơ chế phối hợp để có những dự liệu về cảnh báo sớm doanh nghiệp phá sản. Theo đó, ngành BHXH cung cấp thông tin về tình hình nợ của các doanh nghiệp, nhất là những văn bản đôn đốc những đơn vị nợ kéo dài với các đơn vị liên quan. Đồng thời thanh tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình chây ỳ. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan như thuế, ngân hàng, UBND các tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời báo cáo cấp trên nhằm đưa ra biện pháp xử lý với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm.

 

LAN HƯƠNG