Tròn 4 năm kể từ ngày chia tách từ quận Cẩm Lệ, đến nay huyện Hoà Vang (thành phố Đà Nẵng) vẫn chưa xây dựng được bệnh viện. Khoảng thời gian ấy, người dân phải chịu bao nỗi nhiêu khê trong việc khám, chữa bệnh...

Trung tâm Y tế Hòa Vang đang mượn 6 phòng tầng hai của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình để làm việc.

Huyện Hòa Vang nằm ở phía Tây thành phố Đà Nẵng, các xã phân bố rải rác ở vùng rừng núi, trung du, dân số hơn 110.000 người (trong đó có 200 hộ với 825 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số). Đây là địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng, 10/11 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tuy nhiên, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh, sự tàn phá của thiên tai, lụt bão, bệnh tật… Lẽ ra, việc ưu tiên hàng đầu sau khi chia tách phải là xây dựng bệnh viện để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Do không có bệnh viện, người dân phải chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyễn Mười (63 tuổi) trú tại thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương bức xúc nói: “Bà con ở Đồng Nghệ, cách thành phố 30km, mỗi khi có người thân đau nặng chẳng biết kêu ai. Nhiều hôm thuê xe ôm chở bệnh nhân tới Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ thì đã nguy kịch”.

Bà Trần Thị Tâm ở thôn Cẩm Thoại Trung, xã Hòa Phong bộc bạch: “Hồi đầu năm, gia đình tui có người sốt cao, y tế xã yêu cầu chuyển gấp ra Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, nhưng tới nơi thủ tục nhập viện rườm rà, vì vậy phải chuyển tới bệnh viện tư nhân mới kịp thời cứu sống được bệnh nhân, nếu không thì…”.

Ông Hồ Xuân Lập, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương tâm sự: “Việc người dân Hòa Vang tập trung về khám, chữa bệnh tại hai quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu là bất cập vì nhiều xã quá xa, địa bàn cách trở. Hiện huyện Hòa Vang chưa có xe cấp cứu, khi cần phải điện 115 điều xe từ Đà Nẵng lên là mất thời gian, trong khi đội ngũ y, bác sĩ tuyến xã thiếu và yếu. Mong sao huyện sớm có bệnh viện để người dân đỡ khổ”.

Chúng tôi đã trao đổi với cơ quan chức năng về nguyện vọng của người dân. Bác sĩ Bùi Thanh Vinh, Trưởng phòng Y tế huyện Hòa Vang cho biết, thành phố mới có quyết định thành lập Trung tâm Y tế Hòa Vang, nhưng không có nơi làm việc. Hiện mấy chục cán bộ, nhân viên tá túc trong 6 căn phòng nhỏ trên gác hai mượn của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. Nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện công tác y tế dự phòng; phòng, chống dịch bệnh và triển khai một số chương trình, mục tiêu y tế quốc gia… chứ không thể nào phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân được. Phòng Y tế huyện đã nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm xây dựng Bệnh viện Đa khoa để đội ngũ y, bác sĩ phát huy khả năng, trình độ chuyên môn tay nghề. Hiện nay, Sở Y tế Đà Nẵng yêu cầu nhân dân 4 xã phía Bắc của huyện Hòa Vang điều trị tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu; 7 xã phía Tây còn lại điều trị tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, trong khi các trung tâm y tế này luôn trong tình trạng quá tải, điều kiện nhân dân đi lại xa xôi, cách trở, thủ tục rườm rà…

Theo ông Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, tuy quyết định thành lập Trung tâm Y tế đã được công bố, nhưng cơ sở hạ tầng còn đang nằm trên giấy tờ, hồ sơ(!). Cũng theo ông Thông, sự chậm trễ này nguyên nhân chủ yếu do cơ chế thủ tục hành chính rườm rà chi phối tới việc giải toả đền bù, huy động vốn… Trước đây, việc xây dựng Trung tâm Y tế được giao cho huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư theo dự toán ban đầu hơn 90 tỉ đồng. Nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng thành phố giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư. Sau khi các cơ quan như Viện Quy hoạch, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư… tính toán lại và quyết định đề án xây dựng Bệnh viện với tổng vốn là 87,9 tỉ đồng (bao gồm cả phần xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang, thiết bị y tế). Tuy đến thời điểm hiện nay công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã được huyện hoàn tất, nhưng dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang mới chỉ xong phần cắm mốc.

Để kịp thời có cơ sở điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng tôi đề nghị Sở Y tế thành phố Đà Nẵng và các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc, sớm hoàn thành dự án xây dựng bệnh viện để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, nhất là 4 xã miền núi của huyện Hòa Vang còn quá khó khăn, thiếu thốn về y tế.

Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng