QĐND Online - Phương thức thi “3 chung” sẽ kết thúc sau 3 năm nữa. Như vậy học sinh lớp 9 năm nay sẽ phải đối đầu với cuộc cải cách thi cử đại học sắp tới. Tuy nhiên, trong Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ 2014, Bộ GD-ĐT đã cho phép những trường có đủ điều kiện được tuyển sinh riêng ngay năm 2014. Những thay đổi mang tính “bước ngoặt” này lại rất cận kề với kỳ thi “3 chung” (kỳ thi đã đã được sử dụng hơn 10 năm nay), khiến nhiều thí sinh và phụ huynh hoang mang, lo lắng bởi không thể thay đổi kịp cách học, cũng như làm quen với kỹ năng thi mới chỉ với thời gian 6 tháng.

Thí sinh kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 nghiên cứu nội quy trước khi vào phòng thi

Thí sinh không kịp thích nghi

Năm 2014, các trường có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng theo hình thức: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài ra trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua: Phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu…

Nhiều học sinh, phần lớn là những em sắp bước vào kỳ thi ĐH cho rằng sửa đổi thi cử là đúng, nhưng cần phải có thời gian. Đây là sự kiện có ảnh hưởng “trọng đại” đến cuộc đời một con người, thay đổi phải có kế hoạch chứ không thể thực hiện chỉ trong vài tháng. Từ trước đến nay, học sinh THPT chỉ thiên học lý thuyết, kỹ năng thực hành và trả lời phỏng vấn rất yếu. Hơn nữa, đến thời điểm này việc ôn thi theo “truyền thống” đã đi vào “quỹ đạo”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Xuất phát từ thực tế các trường đã thực hiện kỳ thi “3 chung” trong một giai đoạn dài. Đến nay, điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức thi… của các trường là khác nhau. Do đó, để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức thi “3 chung” sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm không gây xáo trộn, lo lắng cho học sinh và phụ huynh, Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các trường có đề án tuyển sinh riêng, đáp ứng các yêu cầu của Dự thảo.

Thời điểm này hiện đã có 17 trường ĐH, CĐ gửi tới Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh riêng, tất cả đều là các trường ĐH ngoài công lập. Thời gian này, các trường được tự lựa chọn phương án tuyển sinh, nếu các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung” trong vòng 3 năm tới. Đây là lộ trình nhằm giúp từng trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung, điều kiện quy định. Đồng thời, phù hợp với những học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10, có thời gian dài để thích nghi với cách thi và học mới.

Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Thời điểm này là chín muồi để thực hiện sự thay đổi. Bởi về mặt pháp lý đã có Luật Giáo dục đại học, tự chịu trách nhiệm đòi hỏi các trường phải cẩn thận chọn phương án tuyển sinh. Đây thực chất là cuộc cạnh tranh mới giữa các trường trong việc tổ chức thi. Các trường phải hết sức quan tâm đến thương hiệu của mình. Nếu phương án tuyển sinh không tốt, chỉ nhằm “vét” nhiều thí sinh, xã hội chắc chắn sẽ “quay lưng” với trường đó.

Nguy cơ tái diễn “lò” luyện thi

Trước nhu cầu thực tế về tự chủ tuyển sinh, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đánh giá, thi “3 chung” đáng lý phải bỏ từ lâu bởi “đầu vào” chung đề nhưng “đầu ra” của mỗi trường có những yêu cầu khác nhau. Hàng năm có rất nhiều thí sinh thi khối A. Nếu thi vào trường sư phạm thì ra làm thầy dạy toán, lý, hoá; thi vào trường Bách khoa sẽ làm kỹ sư, thi vào luật cũng khối A lại ra  làm thẩm phán, luật sư… tính chất đào tạo và yêu cầu công việc là hoàn toàn khác nhau, vậy tại sao lại phải cùng làm chung 1 đề thi. Điều đó rất bất hợp lý”. Tuy nhiên, điều mà PGS Văn Như Cương băn khoăn khi bỏ thi “3 chung” là việc cần phải có một bộ “lọc” chuẩn để tuyển sinh riêng không tái diễn những tiêu cực trong thi cử đã có từ nhiều năm trước như: Chạy điểm, các lò luyện thi cạnh trường mọc lên vô tội vạ hay việc mỗi thí sinh có thể thi nhiều trường gây tốn kém…

Có thể thấy sự việc nhức nhối nhất trong xã hội hiện nay là luyện thi tràn lan, gây bức xúc, không công bằng xã hội giữa thí sinh thành phố và nông thôn. Cứ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp các học sinh lại đổ xô đến lớp luyện thi, lớp của thầy nào có thể tham gia ra đề thì đông hơn.

Trước nguy cơ sẽ tái hiện cảnh “lò luyện” thi như trước khi áp dụng “3 chung”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, việc tuyển sinh riêng chỉ được áp dụng khi trường cam kết thực hiện theo 5 yêu cầu mà Bộ đề ra. Đó là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; các trường tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh riêng theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc; công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.

Giải thích rõ về cơ chế giám sát, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Mỗi trường cần có đề án để được tuyển sinh riêng. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể tùy theo các trường. Dù chọn hình thức thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp cả hai thì trường đều phải làm rõ đối tượng, hình thức, nguyên tắc đảm bảo thi; công tác chuẩn bị; chính sách ưu tiên, quy trình ra đề thi, tổ chức chấm thi; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan…

Nếu chọn phương án xét tuyển, trường phải nêu rõ môn xét tuyển, hình thức xét tuyển; căn cứ để xét tuyển và độ tin cậy, tính khách quan; nguyên tắc xét tuyển; phương pháp xét tuyển; điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển; lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xét tuyển; công tác thanh tra, giám sát xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu.

Khi bộ đã trao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh, sẽ gắn liền với việc các trường phải tự chịu trách nhiệm với xã hội, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THU HÀ


Năm 2014: Thí sinh được dự thi đại học nhiều hơn 1 lần