Trước thời điểm năm 2012 và khi Luật Khoáng sản mới ra đời và có hiệu lực, tỉnh Hà Giang phải đối mặt với nhiều thách thức, hệ lụy từ việc cấp phép, quản lý khai thác, chế biến khoáng sản.

Công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu

Hà Giang là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú cả về kim loại và phi kim loại, trong đó có những loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao là sắt, chì, kẽm, mangan, antimon... Theo tài liệu địa chất và khoáng sản, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xác định được 215 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng sản với 28 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó 4 loại khoáng sản trọng điểm là: Quặng sắt (21 mỏ, điểm mỏ); quặng chì, kẽm (16 mỏ, điểm mỏ); quặng mangan (27 mỏ, điểm mỏ) và quặng antimon. Ngoài ra, còn nhiều loại khoáng sản khác có tiềm năng về giá trị kinh tế như: Các đới vàng, mỏ thiếc, mỏ vonfram, mỏ antimon... Kết quả đánh giá, thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, có nhiều mỏ trữ lượng lớn, chất lượng cao như mỏ antimon Mậu Duệ (huyện Yên Minh) có trữ lượng 330.000 tấn; mỏ sắt Sàng Thần (huyện Bắc Mê) trữ lượng 31,86 triệu tấn; mỏ quặng sắt Tùng Bá (huyện Vị Xuyên) trữ lượng 22 triệu tấn; dải quặng mangan: Đồng Tâm, Trung Thành, Ngọc Linh, Ngọc Minh có tổng trữ lượng tài nguyên hơn 5 triệu tấn... và nhiều khoáng sản quý hiếm khác.

Tàu khai thác cát sỏi trên sông Lô đoạn qua thôn Quyết Tiến, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang, Hà Giang). Ảnh: TUẤN THI 

Thời điểm trước năm 2012, các hoạt động đầu tư vào khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang không ngừng phát triển cả về quy mô và số lượng, với sự tham gia của các thành phần kinh tế vào hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Có thể gọi đây là thời kỳ việc khai khoáng ở Hà Giang phát triển "nóng". Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đi vào hoạt động đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giải quyết được một việc làm và thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang, do phát triển "nóng" nên công nghệ khai thác thời điểm đó còn lạc hậu, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác hầm lò (đối với khai thác chì, kẽm, vàng); khai thác lộ thiên (đối với khai thác mangan, mica, thiếc, vonfram) và khai thác hầm lò kết hợp với lộ thiên (đối với quặng sắt). Công nghệ khai thác phần lớn mang tính chất thủ công, bán cơ giới, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những công nhân lành nghề và các chuyên gia nước ngoài; máy móc, thiết bị áp dụng trong quá trình khai thác chủ yếu là máy móc cũ, lạc hậu, công suất khai thác thực tế thấp hơn so với công suất thiết kế; quá trình khai thác chưa tuân thủ thiết kế cơ sở đã được thẩm định dẫn đến sản lượng khai thác còn thấp và không ổn định, gây ô nhiễm môi trường... Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Giang cho biết: “Các thiết bị chế biến khoáng sản thời điểm đó phần lớn lạc hậu, ít được đổi mới; công suất khai thác thực tế đa phần thấp hơn so với công suất thiết kế, sản lượng khai thác hằng năm không ổn định, chất lượng sản phẩm thấp, chưa chú trọng công tác chế biến sâu nhằm nâng giá trị khoáng sản, sản phẩm chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô”.

Những hệ lụy tất yếu

Trong buổi làm việc mới đây với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Chung, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Quang (Hà Giang) chia sẻ: Thời điểm năm 2014 trở về trước, huyện Bắc Quang cũng là "điểm nóng" về khai thác khoáng sản. Tình trạng các doanh nghiệp, hộ cá thể khai thác khoáng sản vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến, chủ yếu là: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy trình xử lý chất thải, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện, khai thác chưa được cấp phép hoặc hết hạn khai thác... Những năm gần đây, tình trạng nêu trên đã được khắc phục nhiều, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng khai thác lậu, khai thác trái phép. "Chẳng hạn như ngày 10-3-2020, Công an huyện Bắc Quang kiểm tra, phát hiện khu Cổ Ngụa, xã Đồng Tiến có biểu hiện hoạt động khai thác vàng trái phép... Ngày 30-7-2020, tiếp tục phát hiện tại thôn Bản Buốt, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) cũng có hoạt động khai thác vàng trái phép, lực lượng chức năng đã thu giữ hai máy đục cầm tay, một máy nén hơi và nhiều dụng cụ liên quan khác”, bà Nguyễn Thị Chung cho biết thêm.

Mỏ antimon của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Ảnh: HUY TOÁN 

Còn tìm hiểu tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang) chúng tôi được biết, từ khi Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông (Tập đoàn Hòa Phát), Công ty Cổ phần Thép An Khang, Công ty Cổ phần Khoáng sản Minh Sơn tiến hành khai thác quặng sắt tại mỏ Sàng Thần, Suối Thâu và chì, kẽm tại mỏ Tả Pan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Theo phản ảnh của người dân, trước đây, hoạt động khai thác đã làm ô nhiễm nặng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất từ suối Khuổi Kẹn (thôn Khuổi Kẹn). Còn hiện nay, đã thêm cả ô nhiễm do tiếng ồn và khói bụi. Ghi nhận thực tế của chúng tôi trên đường từ trung tâm xã Minh Sơn vào mỏ sắt Suối Thâu cho thấy, cửa nhà các hộ dân ven đường đều phải dùng lưới che để hạn chế bụi; lá cây hai ven đường bị bụi bám thành lớp dày, chuyển màu xám; con đường thì hư hỏng, lầy lội do xe quá tải chạy thường xuyên... Trao đổi về vấn đề này, ông Thào Mỹ Chính, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: “Đúng là có tình trạng ô nhiễm bụi. Để khắc phục một phần, hằng năm, các đơn vị khai thác có trích kinh phí hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng bằng tiền mặt và mua lưới chắn bụi cho các hộ dân. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên tưới nước mặt đường để hạn chế khói bụi”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, việc vi phạm các quy định trong khai thác khoáng sản ở Hà Giang vẫn còn. Chẳng hạn trong Thông báo kết luận thanh tra số 1167/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 16-7-2020 đã nêu: 6/13 dự án (ở Hà Giang) được thanh tra chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác, vi phạm điểm n, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, gồm: Mỏ antimon Mậu Duệ, xã Mậu Duệ (Yên Minh) của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; mỏ đá vôi tổ 5 ở phường Ngọc Hà, TP Hà Giang của Công ty TNHH Hải Phú; các mỏ vàng sa khoáng Thác Lan, vàng gốc Thượng Cầu và sa khoáng Suối Bông ở xã Tiên Kiều (Bắc Quang) của Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản và Xây dựng Mê Linh; mỏ mangan Bản Sáp, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản; mỏ mangan đội 5, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) của Công ty Cổ phần Khoáng sản Ngọc Linh; mỏ mangan Khuôn Then ở xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên của Công ty TNHH Tây Giang.

Ngoài vi phạm trên, có 4/13 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; có 4/13 dự án thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1/13 dự án không thực hiện nộp báo cáo định kỳ kết quả quan trắc, giám sát môi trường, báo cáo quản lý chất thải gây hại và 1/13 dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục đất đai. Hầu hết dự án khai thác khoáng sản được kiểm tra đều không lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, vi phạm khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Thanh tra Chính phủ cho biết, trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trên thuộc về chủ đầu tư các dự án, quỹ BVMT tỉnh, Sở TN&MT, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có dự án; trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hà Giang...

Theo báo cáo của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang, vào năm 2018, diện tích khai khoáng chiếm khoảng 1.863ha. Riêng xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê), diện tích đất rừng phòng hộ phải chuyển đổi mục đích sử dụng là 30,3ha, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn phải chặt hạ nhường cho khai trường là 9,8ha. Việc khai thác khoáng sản ở khu vực rừng đầu nguồn và phải sử dụng lượng nước quá lớn cho quá trình tuyển quặng làm suy giảm và cạn kiệt nguồn nước; quá trình xả thải của các nhà máy tuyển quặng khiến nguồn nước suối ô nhiễm, hoặc biến dạng dòng chảy, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.

ĐỨC TUẤN - VĂN THI

(còn nữa)