QĐND Online - Ngày 23-4, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) công bố 100 ca ghép tế bào gốc tạo máu thực hiện thành công giúp điều trị những bệnh máu hiểm nghèo.

Tế bào gốc có thể lấy được từ nhiều nguồn như máu từ cuống rốn, từ tủy xương hoặc từ máu ngoại vi. Ảnh: nihbt.org.vn.


Phát biểu tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao và ghi nhận thành tựu 100 ca ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được tiến hành từ những năm 1990. Năm 1995, Viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, cả nước đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu như Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương...

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu thời gian tới, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nghiên cứu xây dựng Ngân hàng tế bào gốc để nhiều bệnh nhân có cơ hội lựa chọn được người hiến tế bào gốc phù hợp; nghiên cứu và mở rộng các nhóm bệnh nhân được ghép tế bào gốc điều trị bệnh. Đồng thời, xây dựng và đề xuất để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về việc nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh, đặc biệt là các quy trình kỹ thuật, tiến tới việc xây dựng Luật về tế bào gốc.

Theo báo cáo của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên thực hiện vào tháng 6-2006 đến nay, Viện đã thực hiện thành công 107 ca ghép; trong đó có 66 trường hợp ghép tự thân và 41 trường hợp ghép đồng loại. Với tỷ lệ thành công từ 70 đến 80%, phương pháp ghép tự thân được thực hiện với những nhóm bệnh như: Đa u tủy xương, u lympho ác tính, lơ-xê-mi cấp. Đặc biệt, ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh đa u tủy xương và u lympho không Hodgkin đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Với tỷ lệ thành công từ 65 đến 70%, phương pháp ghép đồng loại được thực hiện với các nhóm bệnh như: Lơ-xê-mi cấp, suy tủy xương, lơ-xê-mi kinh, rối loại sinh tủy, đái huyết sắc tố và thiếu máu Diamond Blackfan.

Tại lễ công bố, thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Từ tháng 11-2013, Viện đã triển khai ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhi. Đến nay đã có 3 bệnh nhi được thực hiện phương pháp này. Đồng thời, Viện đã mở rộng chỉ định ghép ở các thể bệnh khác, độ tuổi ghép (ngoài bệnh nhi còn có bệnh nhân trên 50 tuổi), kiểu ghép (ngoài anh chị em ruột phù hợp còn tiến hành ghép nửa phù hợp từ bố, mẹ hoặc anh chị em ruột). Ông Khánh nhấn mạnh: Hiện nay, chi phí cho mỗi hình thức ghép khác nhau. Đối với ghép tế bào gốc tự thân, mỗi ca ghép có tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng; trừ đi khoản chi phí bảo hiểm chi trả, người bệnh phải trả khoảng 100 triệu đồng. Ghép tế bào đồng loại, mỗi ca ghép có tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng; trừ đi khoản chi phí bảo hiểm chi trả, người bệnh phải trả khoảng 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ phương pháp này người bệnh đã có được cuộc sống như những người khỏe mạnh bình thường. Điển hình như bệnh nhân Hồ Đức Dương (đa u tủy xương, ghép tự thân từ tháng 3-2007) và bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý (u lympho ác tính đầu tiên được ghép tế bào gốc tự thân vào tháng 3-2009) sau 5 năm ghép vẫn sống khỏe mạnh bình thường... Đặc biệt, bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần (suốt 7 năm chống đỡ với bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt) được chỉ định ghép trong điều kiện bệnh rất khó khăn vì kèm thêm nhiễm viên gan C và không hoàn toàn phù hợp với người hiến. Tuy nhiên, sau 19 tháng ghép, các xét nghiệm máu đều ổn định và bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe.

GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định, Phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính là một trong những phương pháp “mũi nhọn” hiện nay tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương giúp bệnh nhân có thể điều trị bằng các biện pháp hiện đại với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Trong thời gian tới, Viện sẽ triển khai tích cực Ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng để có bà mẹ tình nguyện gửi máu cuống rốn của mình tạo kho dự trữ tế bào điều trị trong tương lai.

Có thể nói, ghép tế bào gốc tạo máu chữa các bệnh máu ác tính đang mở ra chân trời mới đầy hy vọng cho người bệnh, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác điều trị.

THÁI SƠN