Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 844), đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề cần khắc phục và xác định hướng hoạt động cho những năm tiếp theo. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những giải pháp nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho những dự án khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời giới thiệu những mô hình hay, những dự án khởi nghiệp đã được đưa vào ứng dụng thực tế.
 |
Lãnh đạo Bộ KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết: Đề án đã trải qua năm đầu tiên triển khai và đã hợp tác với nhiều địa phương để tổ chức các sự kiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp quy mô vùng… Đồng thời, giới thiệu sâu về Đề án 844 cũng như các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, tăng cường nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Năm 2017-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tạo lập môi trường thể chế chính sách thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp ngày càng lan rộng, hoạt động khởi nghiệp ngày càng đi vào thực chất hơn.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tăng gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp. Đồng thời, số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp ĐTMS cũng ngày càng tăng cao, thể hiện ở số lượng các vụ đầu tư, vườn ươm, khu làm việc chung phát triển mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nược có sự tăng cao và bài bản hơn. Hết năm 2017 có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài.
Về phương hướng, nhiệm vụ triển khai Đề án 844 trong thời gian tới, Bộ KH&CN cho biết: Cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương… để triển khai các hoạt động phát trển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhằm tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Cần tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia với các cổng thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tổ chức, thành phố, bộ, ngành… để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng, hình thành mạng lưới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhà đầu tư, quỹ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mạng lưới tư vấn, chuyên gia cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ban hành tiêu chí chuyên gia khởi nghiệp ĐMST, xây dựng dựng mạng lưới, danh sách chuyên gia khởi nghiệp ĐMST trên cả nước, giới thiệu cho các đơn vị có nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST…
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ khẳng định chức năng, vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Thực tế đã có nhiều startup Việt gọi vốn thành công từ nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng không ít startup không kiếm được kinh phí, nguồn lực cho ý tưởng sáng tạo, dẫn đến, hằng năm Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - Techfest để tăng cường kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế.
Techfest 2018 là hoạt động hằng năm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-5-2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg. Tổ chức lần đầu năm 2015, sự kiện đã thu hút được đông đảo sự quan tâm và tham gia của các cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo được tiếng vang lớn với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Nhằm thúc đẩy sự lan tỏa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nhiều vùng miền trên cả nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện Techfest Việt Nam năm 2018 tại Thành phố Đà Nẵng, với quy mô quốc tế, thu hút trên 4.500 lượt người tham dự. Thời gian tổ chức từ ngày 29-11 đến 1-12. Dự kiến thành phần tham dự Techfest 2018 có Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; đại diện một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế; đại diện các cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp, chuyên gia công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.
Techfest 2018 sẽ diễn gia các hoạt động gồm: Triển lãm các sản phẩm sáng tạo; kết nối đầu tư, nhân sự; hội thảo và tọa đàm về chính sách quốc tế và trong nước; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, các xu hướng công nghệ, câu chuyện khởi nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ nông nghiệp, công nghệ tài chính, lĩnh vực du lịch và Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp. Đặc biệt, điểm mới của Techfest năm nay, Ban tổ chức dự kiến bố trí các chuyến xe khởi nghiệp xuất phát từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi về Đà Nẵng. Hành trình khởi nghiệp này dành cho các ứng viên được giải tại các Techfest vùng diễn ra trước đó.
Bài, ảnh: VĂN PHONG