Không gian mạng là một không gian hoàn toàn mới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn hơn
Trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, chúng ta đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trước, thì giờ đây, ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%. Không ai an toàn một mình trong không gian mạng, càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn hơn. Ngày trước, khi đầu tư, chúng ta thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình, thì giờ đây, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị. Mỗi cơ quan, tổ chức cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý, cân đối cả 3 yếu tố này.
 |
Phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đã đến lúc phải thay đổi cách suy nghĩ, cách hành động, phải làm chủ công nghệ để đảm bảo an toàn an ninh mạng. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay người dân chưa có nhận thức sâu sắc về an toàn - an ninh mạng. Trung bình trên thế giới đầu tư 15-20% giá trị của dự án công nghệ thông tin cho an toàn thông tin, còn ở Việt Nam tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%. Ngày xưa, nói đến an toàn - an ninh, thường nghĩ đến những thứ rất cao siêu và là việc của Chính phủ, các cơ quan đặc biệt, nhưng hiện nay an toàn, an ninh thông tin là liên quan trực tiếp đến từng người dân. Đầu tiên, không cẩn thận là mất thông tin cá nhân, mất tiền. Nếu không chú trọng đến an toàn, an ninh thông tin, thiệt hại đầu tiên là cho chính mình. Ngoài ra, có những người đã nhận thức được rồi nhưng lại coi việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là việc rất phức tạp, việc của chuyên gia, mình không thể làm. Nhận thức này cần được thay đổi. Nếu mỗi người tự thay đổi thói quen của mình sẽ nâng lên rất đáng kể việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Nhận thức rõ về an toàn - an ninh thông tin
Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng của nước ta vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế. Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của liên minh doanh nghiệp công nghệ thông tin, Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia không có sự lựa chọn nào khác là nhất thiết phải thúc đẩy công nghệ thông tin, trước hết là ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong công tác điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, hoạt động của các doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Trong bối cảnh nước ta bước vào thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này, phải đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và những ngành nghề ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, phát triển phải có đảm bảo an toàn, an ninh và bản thân an toàn, an ninh cũng thúc đẩy phát triển. Do vậy, không thể phát triển công nghệ thông tin nhưng không đảm bảo an toàn - an ninh thông tin để đảm bảo lợi ích của người sử dụng công nghệ thông tin.
 |
Phát triển công nghệ thông tin cần chú trọng đảm bảo an toàn - an ninh thông tin. |
Phó thủ tướng lưu ý trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và các doanh nghiệp cùng chia sẻ, hợp tác, chung tay để hình thành một hệ thống có tính chỉ huy về chuyên môn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời là nơi quy tụ, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng trên tinh thần cùng tin tưởng, cùng cộng đồng trách nhiệm tất cả vì lợi ích chung. Với cách làm ấy, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ thông tin sẽ được thúc đẩy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, để nước ta thực sự tận dụng được thời cơ của cuộc Cách mạng 4.0 mang lại.
Theo Bộ TT&TT, chúng ta cần tham gia tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động an toàn, an ninh mạng quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”.
Bài, ảnh: VĂN PHONG